Tăng trưởng ngành nông nghiệp Yên Bái đứng đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc

Trong quý I, Yên Bái ước đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 6,98%, vượt 0,57% so với kịch bản tăng trưởng đề ra và đứng đầu 14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Sản xuất, chế biến măng xuất khẩu của Công ty Yamazaki Việt Nam tại huyện Trấn Yên

3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể: tổng sản lượng lương thực có hạt 19.205 tấn, đạt 6% kế hoạch (KH), đạt 99% so với cùng kỳ và 101,1% so với kịch bản tăng trưởng quý I (kịch bản); sản lượng chè búp tươi ước đạt 3.751 tấn/KH 67.000 tấn, đạt 5,6% KH, 94,1% so với cùng kỳ và 150% kịch bản.

Tổng đàn gia súc chính ước đạt 811.762 con, đạt 93,1% KH, 111,5% so với cùng kỳ và đạt 96,6% so với kịch bản tăng trưởng quý I; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước 19.972 tấn, đạt 26,6% KH và 101,1% so với cùng kỳ, đạt 99,9% so với kịch bản.

Trồng rừng 9.652,5 ha, bằng 64,3% KH, đạt 89,3% so cùng kỳ và 108% so với kịch bản; khai thác gỗ rừng trồng 358.593 m3, bằng 40,7% KH, đạt 101% so với cùng kỳ và 115,7% so với kịch bản.

Sản lượng thuỷ sản ước đạt 3.784 tấn, bằng 25,9% kế hoạch, đạt 103,8% so với cùng kỳ và 103,1% so với kịch bản. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 94,3%, bằng 98,2% kế hoạch, đạt 101,3% so với cùng kỳ và hoàn thành kịch bản.

Để phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 5,55% trong năm nay, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nông gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục duy trì, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh hàng hoá đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, gắn mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản xuất.

Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhất là các nguồn lực xã hội hóa…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 669873
  • Truy cập hôm nay: 755
  • Đang trực tuyến: 2