VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp theo 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…

Dự báo năm 2024 nhiều khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ 7, khóa VII, ngày 8/3, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp cho rằng năm 2023, tình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhiều ngành hàng suy giảm chưa có dấu hiệu phục hồi…

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như vậy, VCCI đã giữ vững tinh thần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới.

Cụ thể, VCCI đã góp ý xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng cao, có tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong năm 2023, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với 406 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, trong đó có nhiều Luật lớn và rất quan trọng, như Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đóng góp ý kiến về chính sách giảm thuế GTGT, Nghị định sửa đổi về hóa đơn, chứng từ, ….

Đồng thời hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiếp tục được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, cải tiến về hình thức và nội dung nhằm đảm bảo nhu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp cần động lực để tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Công tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế được tiếp tục đẩy mạnh: VCCI đã xây dựng 04 cơ sở dữ liệu về pháp luật và thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU; hoàn thiện cơ sở dữ liệu liên quan đến phòng vệ thương mại đối với thị trường Canada, Australia và Philippines.

“Kế hoạch công tác năm 2023 cơ bản hoàn thành, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra ở một số nội dung, nguồn thu vượt kế hoạch đề ra xấp xỉ 4%, tăng trưởng 6% so với năm 2022, thực hiện tốt một số nhiệm vụ phát sinh do Đảng, Nhà nước giao ngoài kế hoạch năm”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bước sang năm 2024, lãnh đạo VCCI nhận định, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ về điều hành chính sách vĩ mô, cộng đồng doanh nghiệp cần trang bị tâm thế sẵn sàng, chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén nắm bắt cơ hội để phục hồi, bứt phá trong giai đoạn mới.

Là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cần tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp theo 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đối với các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ.

Theo đó, tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại, tiếng nói đại diện của VCCI đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục đề xuất, xây dựng các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tích cực triển khai công tác liên kết vùng, thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP của Chính phủ về hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế – xã hội thông qua thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết tiểu vùng hiệu quả, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”; nghiên cứu việc ký thỏa thuận hợp tác giữa VCCI với một số địa phương nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hình thành phong trào thực hành 06 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Triển khai các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập có chất lượng vào chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững; các hoạt động trong khuôn khổ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và áp dụng Bộ Chỉ số CSI…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 681515
  • Truy cập hôm nay: 664
  • Đang trực tuyến: 2