Lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội

Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã xác định hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 6 trục liên kết động lực và 12 ý tưởng đột phá.

Đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị nghe báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: T.L)

Theo nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1421/QĐ-TTg ngày 17/9/2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa các dân tộc; bảo đảm vững chắc về quốc phòng – an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Quy hoạch cũng đã nêu những chỉ tiêu, lĩnh vực có thế mạnh, phân tích đánh giá những điểm nghẽn và hạn chế; đề xuất các giải pháp, kịch bản tăng trưởng xây dựng theo tầm nhìn phát triển của tỉnh Yên Bái từ nay đến 2050; trong đó, đã nêu lên 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 6 trục liên kết, 13 ý tưởng đột phá. Qua phân tích, đánh giá hiện trạng, có thể nhận thấy 3 điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế của Yên Bái.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xem bản đồ quy hoạch phát triển không gian đô thị thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: T.L)

Bên cạnh đó, cũng có 5 điểm mạnh cần khai thác để thúc đẩy phát triển kinh tế; trong đó, điểm mạnh thể hiện lợi thế cạnh tranh độc nhất của tỉnh so với các tỉnh trong vùng, đó là vị trí chiến lược trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, trung điểm hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Do đó, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương châm phát triển kinh tế – xã hội Yên Bái nhanh, bền vững, theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và tận dụng những cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, tầm nhìn cho Quy hoạch đến năm 2050 đã được xác định. Theo đó, Yên Bái sẽ là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, nền kinh tế phát triển toàn diện, chất lượng sống của người dân ở mức khá.

Theo hướng này, Yên Bái sẽ duy trì môi trường sinh thái bền vững; thúc đẩy kinh tế phát triển đồng đều theo hướng gia tăng giá trị và năng suất; trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện; nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện ở mọi mặt, hình thành nên một cộng đồng đáng sống.

Dựa trên lợi thế hiện hữu và tiềm năng tương lai, Quy hoạch xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.

Về kịch bản phát triển, tỉnh lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh, với tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân 8,5%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 39%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%. Với kịch bản này, nhu cầu vốn đầu tư cần huy động khoảng 280.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi Hội đồng thẩm định (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) tổ chức hội nghị thẩm định và thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Yên Bái với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng Thẩm định và chuyên gia phản biện vào tháng 12/2022; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung Quy hoạch tỉnh; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh. Tổng số đã tiếp nhận 654 ý kiến; trong đó, thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung đối với 415 ý kiến, chiếm 63,5% tổng số ý kiến; giải trình, làm rõ thêm đối với 239 ý kiến, chiếm 36,5%.

Đến tháng 3/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức buổi làm việc với một số sở, ngành, địa phương liên quan và đơn vị tư vấn để rà soát, thống nhất một số nội dung bổ sung vào Quy hoạch tỉnh. Cụ thể là nghiên cứu, bổ sung một số dự án đầu tư vào danh mục ưu tiên theo đề xuất của nhà đầu tư; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phát triển hệ thống sân golf trên địa bàn tỉnh và một số nội dung khác có liên quan. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát hồ sơ và gửi văn bản xin ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái.

Đánh giá về công tác triển khai lập Quy hoạch tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định, hồ sơ Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao; UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo liên danh tư vấn, các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu báo cáo tiếp thu, giải trình chi tiết với 654 ý kiến góp ý.

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế như: tiến độ lập quy hoạch, báo cáo tiếp thu, giải trình vẫn chậm so với kế hoạch đề ra; những vấn đề lớn theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện chưa được báo cáo tiếp thu giải trình đầy đủ và thỏa đáng; việc tổ chức nghiên cứu báo cáo tiếp thu giải trình chưa có sự phối hợp thống nhất vẫn còn lúng túng giữa các sở ngành, chủ đầu tư và đơn vi tư vấn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để tiếp tục hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình. Trong đó, các đơn vị cần tổng hợp các nhóm vấn đề lớn, quan trọng theo ngành, lĩnh vực; theo báo cáo và quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Tổ chức nghiên cứu tiếp thu giải trình theo những vấn đề lớn của lĩnh vực, ngành phụ trách, phối hợp với đơn vị tư vấn theo từng lĩnh vực cụ thể để có báo cáo tiếp thu, giải trình chi tiết. Trên cơ sở báo cáo tiếp thu giải trình, đơn vị tư vấn gửi xin ý kiến Hội đồng thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia để tham gia ý kiến, tiếp tục hoàn thiện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, các sở, ngành, đơn vị tư vấn cần cập nhật một số nội dung mới do yêu cầu thực tiễn, đưa vào một số nội dung mang tính chất định hướng; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án trình HĐND thông qua trong kỳ họp tới; giao UBND tỉnh tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định, phấn đấu hoàn thành báo cáo tiếp thu, giải trình trong tháng 4, phấn đấu trong tháng 5 sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã xác định hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng: thành phố Yên Bái và phụ cận, thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận; 3 vùng kinh tế: vùng kinh tế trung tâm, vùng kinh tế phía Đông, vùng kinh tế phía Tây.

Quy hoạch cũng xác định xây dựng 4 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch, kinh tế dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; 6 trục liên kết động lực: trục động lực cao tốc Nội Bài – Lào Cai; trục dọc quốc lộ 32; trục dọc quốc lộ 70; quốc lộ 32D, tuyến đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Hà Giang (CT12); trục Mường La – Mù Cang Chải – Văn Chấn – Văn Yên – đường tỉnh 166, 164, 171; quốc lộ 37; thực hiện 12 ý tưởng đột phá: 3 đột phá phát triển công nghiệp, 3 đột phá về phát triển du lịch, 3 đột phá về phát triển thương mại dịch vụ, 3 đột phá về phát triển nông nghiệp và thực hiện 174 dự án ưu tiên đầu tư.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 681487
  • Truy cập hôm nay: 636
  • Đang trực tuyến: 5