Hôm nay (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Dự hội nghị còn có Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hai Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng dự hội nghị trực tuyến này.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, NOVA (Novaland), Hưng Thịnh Land, GP.INVEST, IMG, Becamex IDC Bình Dương.
Về phía chuyên gia có TS Cấn Văn Lực, ông Lê Xuân Nghĩa (cùng đến từ Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia), ông Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân).
Tại phiên họp thường kỳ ngày 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng cũng cho biết sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này ngay trong tháng 2.
Trước đó, cuối tháng 1/2023, Thủ tướng ký Chỉ thị số 03 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Đầu tháng 2 này, trong văn bản kiến nghị mới được Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) gửi Ngân hàng Nhà nước, HoREA đánh giá thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Có thể nói 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất” và 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Hiệp hội trích báo cáo của Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 gần 1.200 doanh nghiệp tăng 38,7% so với năm 2021.
Theo HoREA, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không “lo” được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Qúy Mão…
Cũng theo HoREA, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 – 50%. Tuy nhiên vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.