Yên Bái đồng hành, hỗ trợ nông dân đi “chợ sàn”, “chợ mạng”

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, chỉ vài thao tác đơn giản như chụp ảnh, viết tóm tắt sản phẩm, nguồn gốc, giá cả, các thành viên của Hợp tác xã Cam sành huyện Lục Yên đã đưa được sản phẩm của mình lên hệ thống sàn thương mại điện tử Postmart. Đó là kết quả của việc hỗ trợ nông dân đi “chợ sàn” trong tiêu thụ nông sản.

Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Từ khi tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart, thành viên của Hợp tác xã ( HTX) Cam sành huyện Lục Yên chỉ việc thu hái, đóng gói cẩn thận sẽ có nhân viên Bưu điện tới nhận, vận chuyển giao tới tay khách hàng. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu về công nghệ, các thành viên HTX vui mừng khi sản phẩm đã “lên sàn” thành công.

Bà Hoàng Thuyết Lập – Giám đốc HTX Cam sành huyện Lục Yên cho biết: “Thời gian qua, HTX đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình CĐS nhất là việc bán hàng online thông qua các sàn TMĐT. Thông qua đó, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như học hỏi thêm được ý tưởng mới, cách làm hay trong kinh doanh thời công nghệ 4.0, góp phần xây dựng bền vững thương hiệu. Hiện nay, sản phẩm cam sành của HTX hầu như đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước”.

Với sự trợ giúp tích cực của các cấp Hội nông dân cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng sàn TMĐT, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã (HTX) Hệ sinh thái Du lịch Suối Giàng là một trong những đơn vị khá thành công từ phương thức bán hàng này.

Ông Đào Đức Hiếu – Giám đốc HTX Hệ sinh thái Du lịch Suối Giàng cho biết: “Nhờ có sàn TMĐT, các sản phẩm của HTX như: Diệp trà, Hồng trà, Đại lão vương trà… được tiêu thụ trong toàn quốc. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT cũng giúp các thành viên HTX thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi chú trọng hơn đến việc thiết kế bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm bắt mắt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

CĐS để tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu giúp người nông dân mở ra kênh tiêu thụ mới, tạo nên môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 229-KH/HNDT-BĐT ngày 1/4/2022, kế hoạch phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh để triển khai thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”.

Thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc triển khai thực hiện Kế hoạch cấp tỉnh số 86/KH-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh ký thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025.

Hội cũng đã chủ trì, tổ chức các hội nghị chuyên đề tập huấn, tuyên truyền về TMĐT cho cán bộ hội chủ chốt, đồng thời chỉ đạo Hội nông dân các huyện, thị, thành phố tuyên truyền, phổ biến về TMĐT tới trên 40.000 hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp giỏi; trong đó, có các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chủ cửa hàng nông sản.

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tạo trên 30.000 dữ liệu hộ sản xuất, kinh doanh (tài khoản mua, bán) của các hộ nông dân sản xuất giỏi; giới thiệu được trên 3.550 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 108 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, giá trị giao dịch đạt trên 1 tỷ đồng.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiện nay, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT của các hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Nông dân lâu nay quen với việc bán nông sản trực tiếp, phụ thuộc nhiều vào thương lái nên khi chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.

Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp muốn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT cần có máy tính cá nhân hoặc điện thoại thông minh để tạo các tài khoản mua và bán, có tài khoản ngân hàng hoặc ví thanh toán điện tử để khách hàng thanh toán khi mua hàng, tuy nhiên không phải hộ nông dân nào cũng đáp ứng được những điều kiện này. Đa số nông sản của Yên Bái hiện nay chủ yếu là sản phẩm mùa vụ, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn, nhất là đối với các loại thực phẩm, thủy sản, rau quả tươi…

Bà Nguyễn Thị Mến – Giám đốc HTX Rau an toàn Minh Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho biết: “Khi đưa lên sàn TMĐT đã giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm, ký được hợp đồng với các đơn vị ở ngoại tỉnh. Tuy nhiên, rau xanh cần quy trình bảo quản để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nên HTX đang lúng túng tìm giải pháp cho việc bảo đảm nguyên vẹn chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Một khó khăn nữa là nông dân, các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản còn hạn chế về kinh nghiệm quản trị, thiếu kỹ năng bán hàng online, cập nhật giá bán chưa kịp thời, chưa chú trọng tạo hình ảnh bắt mắt cho các gian hàng để quảng bá sản phẩm, còn lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng… do vậy, chưa thu hút được nhiều khách hàng.

Ông Giàng A Câu – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hiện nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hội viên về mục đích, lợi ích của công tác CĐS. Trong đó, tập trung trang bị kỹ năng, kiến thức về bán hàng online thông qua sàn TMĐT cho người nông dân nhằm tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Thông qua các nền tảng số cũng là cơ hội để người nông dân kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy cơ hội kích cầu, xúc tiến thương mại”.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX, đơn vị, hộ sản xuất nông nghiệp có năng lực, bảo đảm điều kiện về chất lượng, bao bì đóng gói sản phẩm để giới thiệu tham gia các sàn TMĐT có uy tín nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

ĐƯA NÔNG SẢN “LÊN SÀN”

Những năm gần đây, do tác động của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cùng với giới thiệu, bán hàng trực tuyến (online) qua các trang mạng xã hội, việc khai thác các sàn thương mại điện tử (TMĐT) luôn là kênh quảng bá hữu hiệu. Bưu điện tỉnh là một trong những doanh nghiệp đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart thành công.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Đứng trước xu thế hiện nay, ngành bưu điện đổi mới ứng dụng công nghệ trong cung cấp sản phẩm dịch vụ, trong đó có hệ thống logistics, xây dựng và vận hành sàn TMĐT Postmart với chủ lực là các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP trên cả nước. Tại Yên Bái, Bưu điện tỉnh có mạng lưới rộng đến cấp xã, có tuyến thu gom hàng hóa 2 chiều, từ xã lên huyện, kết nối với tuyến vận chuyển liên tỉnh đảm bảo hàng hóa được chuyển đi trong ngày”.

Tập trung triển khai việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh lên sàn Postmart, Bưu điện tỉnh đã thực hiện chuỗi dịch vụ tự thu gom hàng tại hộ sản xuất, chuyển phát đến người nhận, kết nối hệ thống vận chuyển, logistics gắn với bản đồ mã địa chỉ bưu chính Vpostcode.

Bên cạnh đó, đơn vị còn hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm OCOP trên sàn và hệ thống cửa hàng Postmart như: bưởi Đại Minh, măng mai, lạc đỏ Lục Yên, bún khô Thanh Mai Văn Yên… Sản phẩm bún khô Thanh Mai của Hợp tác xã (HTX) Thanh Mai, huyện Văn Yên là một trong những thương hiệu mới nhưng đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Chị Phạm Thị Thanh – Giám đốc HTX Thanh Mai cho biết: “Thời gian đầu khi mới thành lập HTX tiêu thụ được 6 tấn bún khô/tháng, sau vài tháng HTX Thanh Mai tiêu thụ được 30 tấn bún khô/tháng. Đặc biệt, sau khi sản phẩm bún khô Thanh Mai được đưa lên sàn TMĐT Postmart, có những đơn vị từ Hà Nội và Sài Gòn đặt hàng tới 100 tấn”.

Nếu như trước đây, sản phẩm lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, dầu lạc đỏ Thái Sơn của HTX Thái Sơn, huyện Lục Yên chưa được nhiều người biết đến thì hiện nay, qua sàn TMĐT, các sản phẩm này đã quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Đàm Văn Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thái Sơn chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của nhân viên bưu điện, HTX đã mở tài khoản trên sàn TMĐT Postmart, từ đó, HTX đã có thêm kênh tiêu thụ mới rất hiệu quả”.

Bưu điện tỉnh đã thành lập đội xung kích gồm các cán bộ có năng lực về từng xã phối hợp với cán bộ hội nông dân xã, nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã trực tiếp hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tạo tài khoản mua và bán, tập huấn, trang bị kiến thức về chụp ảnh, cập nhật đơn hàng, tương tác với khách hàng cho tới việc đóng gói, bảo quản sản phẩm, theo dõi đơn hàng trên sàn TMĐT theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Đến nay, Bưu điện tỉnh tạo được trên 30.000 dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp (tài khoản mua, bán) và giới thiệu được trên 3.550 sản phẩm nông nghiệp, trong số đó có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch đạt trên 1 tỷ đồng.

Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông nhằm tuyên truyền sâu rộng cho các hộ và người dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia sàn TMĐT, qua đó thay đổi thói quen bán hàng của người nông dân để trở thành những nông dân số, kinh doanh thành thạo trên môi trường số, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.


THAY ĐỔI TƯ DUY BÁN HÀNG

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bán hàng trực tuyến đang dần trở thành một kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả, giúp nông dân đến gần hơn với khách hàng. Trước đây, mỗi khi đến mùa thu hoạch bưởi, gia đình chị Nguyễn Thanh Huyền ở thôn Làng Cần, xã Đại Minh, huyện Yên Bình chỉ chờ thương lái đến vườn thu mua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ tìm hiểu việc bán hàng qua mạng xã hội, chị Huyền bắt đầu chào bán bưởi qua facebook; đồng thời, chị Huyền còn tìm hiểu các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Postmart, Voso…

Nhờ vậy, số lượng đơn đặt hàng tăng lên khá nhiều. Nếu trước đây, mỗi vụ bưởi chị chỉ bán được vài tạ quả, lại bị thương lái ép giá… thì vụ bưởi năm 2022, chị đã liên kết với một số hộ dân trong thôn bán được hơn 9 tấn bưởi.

Nông dân xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương.

Chị Huyền cho biết: “Thời gian đầu chưa quen, tôi chỉ đăng lên trang cá nhân, nhờ bạn bè, người thân chia sẻ. Khách mua vẫn có nhưng chỉ trong huyện hoặc trong tỉnh. Tuy nhiên, khi tham gia vào các hội nhóm mua bán nông sản và các sàn TMĐT với hàng nghìn thành viên, dần dần, lượng khách mua không còn bó hẹp trong phạm vi ở huyện, tỉnh mà đã lan rộng ra phạm vi cả nước. Để khách hàng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tôi còn ra tận vườn để quay hình ảnh thực tế các khâu chăm sóc”.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên cũng kinh doanh tốt hơn nhờ có công nghệ. Chị Bùi Thị Quỳnh – Giám đốc HTX cho biết: “Trước đây, sản phẩm rau củ quả của HTX chủ yếu là tiêu thụ tại địa bàn xã và chợ huyện. Lúc chính vụ, chúng tôi phải mang đến tận nơi giao hàng, chi phí đội lên khiến doanh thu không nhiều. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, sau khi tiếp cận phương thức bán hàng theo hình thức trực tuyến và các sàn giao dịch TMĐT, việc bán sản phẩm của HTX trở nên thuận lợi hơn nhiều, số lượng đơn hàng tăng lên, nhiều khi chưa đến vụ thu hoạch đã được người tiêu dùng đặt hàng trước. Nhờ đó, từ tháng 5 đến nay, HTX đã xuất bán trên 10 tấn rau, củ quả các loại, tăng từ 15 – 20% so với việc bán hàng truyền thống trước đây”.

Hiện nay, theo khảo sát trên các trang mạng điện tử, các sàn TMĐT, Facebook không khó để tìm được những hội nhóm, diễn đàn mua bán nông sản với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên. Không chỉ hàng nông sản thông thường, các mặt hàng đặc sản của mọi vùng miền cũng đã có mặt trên “chợ mạng”.

Mạng xã hội không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm của các vùng miền, đưa khoảng cách giữa người nông dân và khách hàng lại gần hơn. Tuy nhiên, để kinh doanh trên nền tảng số, người nông dân phải biết kỹ năng bán hàng, xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, duy trì lượng khách hàng ổn định và ngày càng mở rộng.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen từ bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng trực tuyến và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tập huấn, hình thành nhóm hộ kinh doanh, hỗ trợ người nông dân trong việc ký kết đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử để tạo nên thương hiệu, uy tín của sản phẩm. Đây sẽ là giải pháp hữu ích giúp nông dân có thêm một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở ra cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666206
  • Truy cập hôm nay: 309
  • Đang trực tuyến: 5