Tập trung thanh tra đất đai, tài chính ngân hàng trong năm 2023

Chính phủ cho biết năm tới, các cơ quan sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như bất động sản, tài chính ngân hàng.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Thay mặt Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong hôm 12/10 có báo cáo gửi Quốc hội về phòng, chống tham nhũng năm 2022, định hướng năm 2023.
 
Theo ông Phong, một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2023 là thanh tra, kiểm tra tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản; dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; tài chính, ngân hàng; thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…
 
Các cơ quan sẽ tăng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là trong thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội. Ngành thanh tra sẽ đôn đốc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; chuyển ngay vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
 
Theo đánh giá của Chính phủ, việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 đạt được nhiều kết quả. Cơ quan điều tra thụ lý 687 vụ án, hơn 1.400 bị can phạm tội về tham nhũng. Cơ quan chức năng kết luận và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can.
 
Thiệt hại trong các vụ án thụ lý gần 3.000 tỷ đồng, hơn 233.000 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số thu hồi được là 2.356 tỷ đồng, 179.000 m2 đất, hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 nhà đất (trị giá khoảng trên 100 tỷ đồng).
 
Tòa án Nhân dân các cấp xét xử 410 vụ/945 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù 15-20 năm đối với 43 bị cáo; 7-15 năm đối với 106 bị cáo…
 
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận phòng chống tham nhũng vẫn còn mặt hạn chế. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ. Một số quy định sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi như quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước…
 
Ngoài ra, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án chưa tốt. Việc giám định, định giá tài sản còn chậm làm kéo dài thời gian giải quyết. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp bị cáo bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn.
 
Theo báo cáo, đến tháng 10, khoảng 7.600 người được xác minh tài sản, thu nhập; hơn 4.900 cơ quan, tổ chức đã được kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Thông qua xác minh, các cơ quan phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, xử lý.
 
Năm 2022, nhiều vụ án được cơ quan chức năng điều tra, xử lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán. Điển hình như sai phạm xảy ra tại tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, công ty Louis Holdings…
 
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Tổng Giám đốc Công ty Trường Huy tại Vĩnh Long bị khởi tố về hành vi lập 14 công ty vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt 155 tỷ đồng; Công an TP Hà Nội khởi tố cán bộ Agribank nâng khống trị giá tài sản đảm bảo gây thiệt hại 29 tỷ đồng; Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố cán bộ BIDV lập khống 9 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt gần 33 tỷ đồng…
 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666457
  • Truy cập hôm nay: 560
  • Đang trực tuyến: 9