Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông lâm sản

Chiều 6/10, Sở Công Thương phối hợp cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cơ cấu lại đúng định hướng, phù hợp vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị nông lâm sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. 
 
Hiện, giá trị sản xuất chế biến ngành công nghiệp này chiếm khoảng 43% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng. 
 
Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Yên Bái đã thu hút 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 347 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, nguyên liệu đầu vào khan hiếm dẫn đến nhiều nhà máy, cơ sở phải tạm dừng sản xuất, một số nhà máy trong quá trình hoạt động chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… 
 
Để ngành sản xuất chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế, nộp ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp kiến nghị: UBND tỉnh không cấp chủ trương đầu tư cho những dự án sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, chế biến tinh dầu quế sử dụng công nghệ lạc hậu, sản xuất sản phẩm thô, lãng phí nguyên liệu.
 
Các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cương quyết xử lý các cơ sở sản xuất đầu tư không theo quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chế biến thô của tỉnh như các dự án sản xuất ván ép, MDF, chế biến chè, chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất… sớm đi vào hoạt động theo tiến độ. 
 
Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích đào tạo nghề, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động nhằm đảm bảo đủ số lượng lao động có tay nghề trong dây chuyền sản xuất. 
 
Các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. 
 
Những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp trình bày tại Hội nghị sẽ được Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 665795
  • Truy cập hôm nay: 1062
  • Đang trực tuyến: 5