Yên Bái triển khai thực hiện Chu trình OCOP theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương

Với quan điểm triển khai thực hiện Chu trình OCOP một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm.

Cá sấy hồ Thác Bà – sản phẩm OCOP 3 sao của HTX dịch vụ tổng hợp Yên Bình

Tỉnh Yên Bái đã sớm ban hành văn bản nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả và bền vững.

Theo đó, để Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là Quyết định số 148/QĐ-TTg) được tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, bền vững và đúng quy định. Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cơ quan Thường trực Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái, đã ban hành văn bản số 512/SNN-VPĐP gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở: Y tế; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường.

Với nội dung đề nghị các sở, ngành liên quan, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện, thị xã, thành phố, chủ thể triển khai thực hiện Chương trình OCOP; hoàn thiện các tiêu chí của sản phẩm OCOP theo lĩnh vực được giao quản lý, cũng như thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 148/QĐ-TTg; đồng thời, cử đại diện tham gia thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện theo quy định tại khoản c mục 2 Phụ lục II kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg.

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương tổ chức đánh giá một số nội dung và lập Báo cáo đánh giá về một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm OCOP gồm: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương.

Bên cạnh đó, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Trước khi thành lập Hội đồng cấp huyện, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có Văn bản đề nghị các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và các sở liên quan quản lý sản phẩm (theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg) cử đại diện tham gia Hội đồng.

Văn bản cũng nêu rõ, đối với các sản phẩm mới tham gia và các sản phẩm đã được cấp tỉnh đánh giá, công nhận từ 3 sao trở lên đến thời hạn đánh giá lại nay do Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả. Những sản phẩm đạt từ 70 điểm trở lên, cấp huyện có Văn bản đề nghị Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng theo quy định.

Về các nội dung về trình tự đánh giá, phân hạng; thành lập Hội đồng đánh giá; yêu cầu về hồ sơ đánh giá sản phẩm; các bước đánh giá phân hạng sản phẩm; quy định về việc nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm,… thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg.

Đối với Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm (Phiếu đánh giá sản phẩm OCOP của thành viên Hội đồng đánh giá) thực hiện theo Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg.

Ngoài ra, văn bản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái phát ra cũng lưu ý Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, việc triển khai thực hiện Chu trình OCOP phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, ngoài phần ngân sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, kế hoạch, các cơ chế chính sách để hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị, bao bì nhãn mác,… để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Được biết, kể từ trước khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành văn bản số 512/SNN-VPĐP cả 9/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái đều đã chủ động tiến hành việc phổ biến tới các chủ thể tham gia gia tiến hành đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, thành lập Hội đồng đánh giá cấp huyện và xây dựng kế hoạch phát triển OCOP năm 2023. Nên khi có văn bản 512/SNN-VPĐP, các huyện, thị, thành phố đã thực hiện được nhiều phần việc liên quan đến OCOP, không mất nhiều thời gian chờ đợi văn bản của trên mới tổ chức triển khai thực hiện.

Hiện, toàn bộ 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đang tích cực hướng dẫn các chủ thể tham gia hoàn thiện hồ sơ và xây dựng sản phẩm, đồng thời kiện toàn, bổ sung thêm thành viên là đại diện của các sở ngành liên quan tham gia Hội đồng đánh giá cấp huyện.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601606
  • Truy cập hôm nay: 625
  • Đang trực tuyến: 1