Yên Bái tiếp tục thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp

Yên Bái hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) được Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các KCN quốc gia với tổng diện tích quy hoạch được phê duyệt trên 966 ha; trong đó có 3 KCN đã đi vào hoạt động gồm: KCN phía Nam, KCN Minh Quân và KCN Âu Lâu.

Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty cổ phần Thương mại Sản xuất Kim Gia, KCN phía Nam của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái nói chung và Ban Quản lý các KCN nói riêng đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực mời gọi hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương.

Nhờ đó, thu hút đầu tư nói chung và đầu tư vào các KCN đạt kết quả khả quan. Tính đến thời điểm này, các KCN đã thu hút được khoảng 85 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 14.631 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký 435,8 ha, trong đó KCN phía Nam 61 dự án, KCN Minh Quân 14 dự án và KCN Âu Lâu 10 dự án.

Trong tổng số 85 dự án trên đã có 36 dự án đi vào sản xuất; 21 dự án đã khởi công, đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản; 28 dự án đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư. Các dự án đầu tư vào các KCN đi vào hoạt động góp phần quan trọng vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu cũng như giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động. Trong 2 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu 1.008.650 triệu đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 14.460 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư vào các KCN còn gặp nhiều khó khăn, một số dự án đầu tư trong KCN đang bị chậm so với tiến độ đã quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nên chưa bố trí được nguồn kinh phí giải phóng toàn bộ các KCN.

Hiện các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án phải ứng trước kinh phí để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, trong khi thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ. Hạ tầng các KCN chưa được xây dựng đầu tư đồng bộ. Đến nay, 3 KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 80% diện tích đất công nghiệp, tuy nhiên đến nay mới chỉ có KCN phía Nam được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, còn KCN Minh Quân, KCN Âu Lâu chưa được đầu tư hoàn thiện.

Để khắc phục hạn chế trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút có hiệu quả các dự án vào KCN. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai để được cấp quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là công tác đo đạc lập bản đồ thu hồi đất, tập trung rà soát các dự án đang bị chậm tiến độ triển khai thực hiện, nắm bắt nguyên nhân, khó khăn vướng mắc để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN cũng cương quyết xử lý đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hoặc đã vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo điều kiện để các dự án vận hành hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng thực hiện dự án, đặc biệt là các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 605691
  • Truy cập hôm nay: 871
  • Đang trực tuyến: 1