Yên Bái: Tiếp tục hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Bám sát chủ trương về ưu tiên vốn tín dụng đối với khu vực Kinh tế tập thể, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ vốn tín dụng, góp thêm nguồn lực phát triển khu vực kinh tế tập thể tỉnh.

Quan tâm bố trí nguồn vốn tín dụng cho các tổ chức Kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 chi nhánh ngân hàng loại I; 09 chi nhánh loại II, 53 phòng giao dịch, 17 QTDND, 13 phòng Giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt; 173 điểm giao dịch lưu động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; 65 máy ATM; 06 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Yên Bình Bắc Yên Bái; 359 máy POS; Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số vốn điều lệ hiện có là 20 tỷ đồng giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý và giải quyết cho các HTX vay.

Thời gian qua, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ưu tiên vốn tín dụng đối với khu vực Kinh tế tập thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xác định đây là một trong những đối tượng được ngành ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, tuy nhiên khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực Kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phản ánh đúng nhu cầu về vốn của kinh tế tập thể tỉnh.

Tính đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 738 HTX, phát triển rộng khắp trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố, các HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, trong đó, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 57% tổng số HTX số HTX toàn tỉnh; có 5.310 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực. Khu vực KTTT tỉnh thu hút khoảng 60.000 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động. Tổng vốn Điều lệ của các HTX đạt gần 1.800 tỷ đồng. Năm 2023, Doanh thu bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 450 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng, đóng góp vào Ngân sách Nhà nước 56,43 tỷ đồng, tăng 85,86% so với năm 2022; hoạt động của khu vực KTTT tỉnh góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng nông mới ở địa phương và sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi trong hoạt động cho vay đối với khu vực Kinh tế tập thể như: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 16/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 từ Ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống các Ngân hàng thương mại đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến hết tháng 3/2024, trong 41.530 tỷ đồng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn thì: Dư nợ cho vay đối với khu vực Kinh tế tập thể là 307,53 tỷ đồng (của 45 Hợp tác xã), chiếm 0,74% so với tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn, chiếm khoảng 6,0% tổng số HTX toàn tỉnh được vay vốn. Các HTX được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Liên minh HTX Việt Nam. Luỹ kế đến năm 2023, đã hỗ trợ cho 34 đơn vị sử dụng vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái với tổng số tiền vay 15,140 tỷ đồng; 11 đơn vị đang sử dụng vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam với tổng số tiền vay 14,260 tỷ đồng; 22 dự án đang được vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc với tổng số tiền vay là 3,309 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể còn một số vướng mắc do hiện nay khu vực Kinh tế tập thể chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn ngân hàng, điều kiện được vay tín chấp. Nhiều HTX có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng như: Hồ sơ pháp lý không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, nhiều đơn vị chưa có khả năng xây dựng phương án, dự án đầu tư khả thi…. Các HTX hầu như không có tài sản chung đảm bảo để đáp ứng điều kiện cho vay, mà thường sử dụng tài sản bên thứ ba là tài sản của các thành viên HTX; tài sản bảo đảm chủ yếu là quyền sử dụng đất, tuy nhiên một số tài sản trên đất chưa được cấp quyền sở hữu nên giá trị tài sản bảo đảm của khoản vay nhỏ. Đối với nhu cầu vay vốn không có tài sản đảm bảo, HTX chưa tạo dựng được niềm tin đối với các chi nhánh ngân hàng bằng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Các quy định, trình tự, thủ tục vay vốn của các chi nhánh ngân hàng còn chưa quy định cụ thể, khó thực hiện trong thực tế khi áp dụng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển khu vực Kinh tế tập thể.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực kinh tế tập thể tỉnh trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng; chương trình, chính sách ưu đãi tín dụng đối với khu vực Kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ vào quy trình cho vay để đẩy nhanh tiến độ, thời gian xử lý đề nghị của khu vực Kinh tế tập thể, đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về cho vay, đảm bảo an toàn trong hoat động.

Quan tâm bố trí nguồn vốn tín dụng cho các tổ chức Kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục nâng cao năng lực về mọi mặt trong khu vực kinh tế tập thể, bao gồm cả khả năng hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh cũng như năng lực quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực tổ chức điều hành và quản lý tài chính.

Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình tạo điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình Kinh tế tập thể. Mặt khác, cần tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với HTX ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế; thường xuyên nắm bắt và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vay vốn của HTX.

Vận động HTX thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX.

Theo Cổng TTĐT tỉnh


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682075
  • Truy cập hôm nay: 371
  • Đang trực tuyến: 7