Yên Bái phát triển hợp tác xã nông nghiệp – Bài 2: Vì sao hợp tác xã nông nghiệp chưa đủ mạnh?

Dù đã có những bước phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn nhưng thực tế hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Yên Bái nhìn chung chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của tỉnh, số HTX hoạt động hiệu quả chỉ chiếm trên 50%. Vậy giải pháp nào để các HTX nông nghiệp đủ mạnh, trở thành “mắt xích” của kinh tế nông thôn?

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu về các sản phẩm OCOP từ quế với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trở lại vùng cao Trạm Tấu – một huyện còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, sự phát triển của các HTX nông nghiệp đã góp phần tạo nên những khởi sắc cho sản xuất nông nghiệp nơi đây khi nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng được liên kết, bao tiêu, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân.

Ghi nhận tại HTX Kinh doanh, sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy, tổ dân phố số 2, thị trấn Trạm Tấu, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị này đã liên kết, thu mua các nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, được cấp nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc gồm: khoai sọ nương Trạm Tấu, nếp Lẩu cáy Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu và nếp cẩm Trạm Tấu. Dù đã tạo nên những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Trạm Tấu nhưng qua đánh giá, hoạt động của HTX Kinh doanh, sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy cũng gặp nhiều khó khăn, khiến quy mô sản xuất dừng lại ở mức sơ chế, bảo quản ban đầu, giá trị chưa cao.

Ông Hoàng Văn Hưng – Giám đốc HTX cho biết: “Các sản phẩm của HTX đều phụ thuộc vào mùa vụ như: khoai sọ thì khoảng 3 tháng, măng ớt thì chỉ có 1 tháng. Do vậy, muốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh quanh năm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, HTX phải đầu tư kho đông lạnh và hệ thống bảo quản. Tuy nhiên, việc tiếp cận đồng vốn đối với HTX hiện gặp nhiều khó khăn, đất thuê của Nhà nước thì không thể thế chấp”.

Theo rà soát, hiện nay huyện Trạm Tấu đang có 31 HTX với gần 300 thành viên; trong đó, có 10 HTX nông nghiệp. Mặc dù kinh tế hợp tác, HTX có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới song sự phát triển kinh tế tập thể, HTX ở vùng cao Trạm Tấu vẫn còn hạn chế, tỷ lệ HTX trung bình, yếu, hoạt động không hiệu quả còn chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Đa số các HTX nông nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, ít vốn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động dịch vụ còn đơn điệu, thiếu tổ chức các dịch vụ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh thị trường. Một số HTX chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lúng túng trong định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh; số HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương vẫn còn hạn chế, chưa liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản, thu nhập thành viên chưa được cải thiện”.

Còn tại vùng quế Văn Yên – nơi có phong trào kinh tế tập thể phát triển mạnh nhất tỉnh với nhiều HTX tham gia sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng qua đánh giá, sự phát triển của các HTX nông nghiệp vẫn chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo nên những bứt phá trong kinh tế nông nghiệp. Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến các HTX nông nghiệp dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ là do việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Cao Cường – Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông lâm nghiệp Cường Vui, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên chia sẻ: “Hiện nay, đơn vị có 2 sản phẩm OCOP là chuối ngự tươi và chuối ngự sấy Yên Hợp được cung cấp cho các thị trường trong, ngoài tỉnh. Dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu của đơn vị khá hạn chế, mới chỉ có 2 ha, khó bảo đảm nguồn cung ổn định cho mục tiêu và kế hoạch đưa sản phẩm chuối ngự xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới”. Cùng với vùng nguyên liệu, nhiều HTX nơi đây phải đối mặt với “bài toán đói vốn” để đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng cũng như dây truyền sản xuất.

Ông Tạ Văn Vinh – Giám đốc HTX Quế An, huyện Văn Yên cho biết: “Muốn nâng cao giá trị và thu nhập cho người trồng quế thì chúng tôi phải đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô kinh doanh nhưng lại luôn gặp khó khăn về vốn. Trong khi đó, nếu bây giờ đi vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp mà đất thì là đất đi thuê. Chúng tôi mong muốn nhận được giúp đỡ để hợp lý hóa giấy tờ thì mới đi vay được. Vay được thì mới có thể phát triển được”.

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 58 HTX nông nghiệp trong tổng số 125 HTX, tổng vốn điều lệ hơn 158 tỷ đồng, với trên 800 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX nông nghiệp vẫn chưa đủ mạnh, tương xứng với tiềm năng tại địa phương. Các HTX hoạt động hiệu quả mới chỉ chiếm trên 50%.

Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, kinh tế tập thể ở Yên Bái, nhất là các HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, không chỉ nâng cao về số lượng và chất lượng mà hoạt động cũng ngày một bài bản hơn, chủ động phát triển nhiều ngành nghề hơn, cũng như mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tự chủ trong hoạt động…

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thực tế cho thấy, các HTX nông nghiệp vẫn chưa đủ mạnh, số HTX hoạt động hiệu quả mới chỉ chiếm hơn một nửa; nhiều HTX vẫn trong tình trạng khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, khoa học và công nghệ lạc hậu; đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế, giai đoạn công nghệ 4.0; số lượng tăng nhanh, song quy mô HTX còn nhỏ lẻ; mô hình liên doanh, liên kết còn hạn chế, chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh… Nhiều HTX nông nghiệp chuyển từ mô hình cũ sang mô hình mới hoạt động còn lúng túng. Đa số các HTX hoạt động mang tính thời vụ, chưa có phương án, kế hoạch phát triển dài hạn.

Ngoài ra, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo của các HTX nông nghiệp còn chưa đồng đều, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý còn hạn chế… “Hầu hết cán bộ theo dõi kinh tế tập thể trên địa bàn đều kiêm nhiệm; dẫn đến, công tác tham mưu còn hạn chế, có lúc không kịp thời; nắm bắt hoạt động của HTX còn lúng túng. Một số chính sách của Nhà nước đối với hoạt động kinh tế tập thể, HTX tổ chức chưa được kịp thời, đồng bộ; trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội, khó khăn trong việc tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh của đơn vị” – ông Đỗ Nhân Đạo cho biết thêm.

Có thể thấy, để các HTX nông nghiệp thực sự mạnh, hoạt động hiệu quả cần nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn nữa, nhất là cần đồng bộ hóa các văn bản luật liên quan đến phát triển kinh tế tập thể như đất đai, thuế, tín dụng; có chính sách ưu tiên đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn….

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 605664
  • Truy cập hôm nay: 844
  • Đang trực tuyến: 1