Yên Bái phát triển hệ thống phân phối hàng hóa bền vững

Những năm qua, hạ tầng thương mại, mạng lưới phân phối, cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Yên Bái từng bước được đầu tư phát triển theo quy hoạch với hệ thống chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng Winmart, doanh nghiệp phân phối lớn, 160 cửa hàng tiện lợi, tiện ích….

Người dân tìm hiểu và mua hàng tại hệ thống Cửa hàng Winmart+

Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh đã đưa vào hoạt động 2 showroom ô tô, 1 Trung tâm Thương mại Melinh Plaza Yên Bái; hoàn thành xây dựng 3 chợ quy mô hạng 2 gồm: chợ Mường Lò Khu C, thị xã Nghĩa Lộ; chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái; chợ Yên Thế, huyện Lục Yên. Cùng đó, hệ thống chợ nông thôn được quan tâm nâng cấp, cải tạo và đầu tư xây dựng mới. Các loại hình kinh doanh thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn phát triển nhanh.

Đến nay, toàn tỉnh có 96 chợ truyền thống; 2 trung tâm thương mại, 1 siêu thị, 25 cửa hàng Winmart+; 80 doanh nghiệp phân phối lớn hoạt động lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 160 cửa hàng tiện lợi, tiện ích và hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Là cửa hàng tự chọn to nhất huyện Trấn Yên, qua 10 năm hoạt động, Cửa hàng Công Nhung ở thôn 3 xã Đào Thịnh đã gây dựng được một hệ thống phân phối hàng hóa với trên 30 đại lý trên toàn huyện.

Anh Nguyễn Tiến Công – chủ cửa hàng cho biết: “Muốn phát triển mạnh, bền vững thì mình phải đầu tư một hệ thống đại lý chuyên nghiệp đến tận các thôn. Hàng hóa cũng phải phong phú, bảo đảm về giá cả cũng như chất lượng để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân”.

Cùng với phát triển thương mại truyền thống, gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) có bước phát phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng đang dần chuyển đổi và tiếp cận với phương thức bán hàng mới thông qua website, mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT.

Hiện, toàn tỉnh hiện có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% các sản phẩm chủ lực và OCOP của tỉnh được giới thiệu trên các trang TMĐT trong nước, quốc tế. Một số sản phẩm được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị BigC và Vinmart Yên Bái như: măng khô Văn Chấn; thịt trâu, thịt lợn sấy Nghĩa Lộ; miến Giới Phiên; măng Bát độ tươi muối chua Hồng Ca; măng rối khô Yên Thành; xúc xích, giò, ruốc, chả cá lăng Thác Bà…

Bà Đồng Thị Hiền – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh chia sẻ: “Sống trong thời đại số nên đơn vị cũng phải thích ứng kịp thời để phục vụ người tiêu dùng. Hiện, các sản phẩm của chúng tôi được giới thiệu và bán trên các trang TMĐT: Shoppee, Lazada, sàn TMĐT tỉnh Yên Bái và trang cá nhân của các thành viên hợp tác xã”.

Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thời gian qua, ngành công thương đã phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức các gian hàng tham gia tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Từ đó, giúp các đơn vị tìm được bạn hàng mới, đưa các sản phẩm của tỉnh đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Với sự chủ động trong nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, chống đầu cơ tăng giá, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lợi ích người tiêu dùng thường xuyên được tăng cường. Do đó, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá.

Thời gian tới, để hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển bền vững, Yên Bái nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại, phân phối, bán lẻ hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng trong tỉnh nhằm gia tăng thị phần phân phối hàng hóa. Từng bước đa dạng hóa các phương thức phân phối như TMĐT và bán hàng trực tuyến…

Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, các đơn vị bán lẻ, phân phối cũng cần khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế, như loại hình siêu thị chuyên doanh và khai thác tốt tiềm năng của chợ truyền thống. Tập trung phát triển các cửa hàng tiện ích theo chuỗi để phục vụ cho người dân tại từng khu vực dân cư khác nhau. Ngoài ra, cần liên kết chặt chẽ từ liên kết vùng đến liên kết sản xuất – phân phối, phân phối – phân phối, bán buôn – bán lẻ… để nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như nâng cao uy tín và mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm…

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt 6,03%, đứng thứ 11/14 tỉnh trong khu vực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 25.853 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 9.360 tỷ đồng, tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 617248
  • Truy cập hôm nay: 137
  • Đang trực tuyến: 1