Yên Bái nhiều mô hình biến rác thải nhựa thành sản phẩm hữu ích

Những năm gần đây, việc tái chế rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Yên Bái được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội quan tâm triển khai thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hay.

Qua tái chế, những chiếc xăm lốp cũ đã trở thành nguồn nhiên liệu quý giá.

Để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, tái chế là một giải pháp hiệu quả. Qua tái chế, những rác thải vứt đi như: chai, lọ nhựa, lốp xe cũ… sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích, tiếp tục phục vụ đời sống con người.

Những năm gần đây, việc tái chế rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội quan tâm triển khai thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hay. Cơ sở sản xuất dây buộc, dây khâu từ nhựa tái chế của gia đình ông Nguyễn Hùng Cường ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là một trong số đó.

Đi vào hoạt động từ 20 năm nay, ông Cường đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và làm chủ được một số kỹ thuật như: xử lý nguyên liệu đầu vào, điều chỉnh liều lượng, nhiệt độ nóng chảy của từng loại nhựa, pha màu… để cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nông dân trong tỉnh.

Ông Cường cho biết: “Những năm đầu sản xuất, chúng tôi đều tự mình làm từ việc thu gom, phân loại, sơ chế rác thải nhựa tạo thành các hạt bi nhựa – nguyên liệu chính của sản xuất sản phẩm này. Nhưng mấy năm gần đây, có cơ sở phân loại thu gom ngay trên địa bàn thành phố nên chúng tôi chỉ tập trung sản xuất, không cần hàng chục nhân công như trước. Hiện giờ, cơ sở của tôi có 2 công nhân với sản lượng sản xuất khoảng 6,5 tấn thành phẩm mỗi tháng, doanh thu đạt 100 triệu đồng mỗi tháng. Trừ chi phí không có lãi nhiều nhưng bù lại vợ chồng già có thu nhập ổn định”.

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi, thành phố Yên Bái là đơn vị tiên phong mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất dầu FO-R từ các loại phế phẩm công nghiệp từ cao su.

Với công suất nhiệt phân 30 tấn cao su phế liệu mỗi ngày, cho ra 4 sản phẩm gồm: 10 tấn than các – bon, 5 tấn thép, 15 m3 khí gas và 10 tấn dầu FO-R. Dầu FO-R thích hợp làm nhiên liệu đốt lò cho các lĩnh vực sản xuất như: trạm trộn asphalt, lò hơi, bê tông nhựa nóng, sản xuất kính, thủy tinh, nung gốm sứ, nấu đồng và nhôm…; than các – bon đen cũng được xuất bán cho các nhà máy, còn khí gas sinh ra trong quá trình nhiệt phân có thể đưa vào hệ thống tích áp dùng lại cho lò nhiệt phân. Với quá trình xử lý khép kín, dù tái chế một lượng lớn phế thải nhưng lại không gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân, việc tái chế rác thải nhựa còn lan tỏa thành phong trào được các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp nhiệt tình hưởng ứng. Những chai, lọ sử dụng đã hết trong gia đình được các mẹ, các chị sơn màu rực rỡ trở thành chiếc bình trồng hoa, cây, rau xanh đẹp mắt.

Ở một số địa phương, chị em phụ nữ lại tận dụng những vỏ lon, chai, lọ được thu gom từ mô hình “Ngôi nhà xanh” để xây dựng thành các công trình trang trí cảnh quan cho khu dân cư. Trong trường học, làm đồ chơi cho trẻ từ nhựa tái chế đang trở nên phổ biến.

Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục tổ chức phối hợp cùng cha mẹ học sinh thu gom, tận dụng nguyên vật liệu: vỏ chai nhựa, giấy, bìa caton… đã qua sử dụng để tạo ra đồ dùng, đồ chơi, sử dụng thường xuyên trong hoạt động dạy và học, trưng bày tại các góc hoạt động của trẻ. Hoạt động này không chỉ giảm thiểu rác thải nhựa mà còn là giá trị thực tiễn và giáo dục nhận thức cho trẻ em – chủ nhân tương lai của đất nước về hạn chế rác thải nhựa.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 603048
  • Truy cập hôm nay: 86
  • Đang trực tuyến: 2