Yên Bái nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi

Thời gian qua, Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, trở thành phong trào thi đua trọng tâm trong đời sống kinh tế – xã hội ở nông thôn. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của gia đình anh Nông Văn Nhì (bên trái), thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình hàng năm cho thu nhập 300 triệu đồng.

Trong 5 năm 2018 – 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã có 345.761 hộ đăng ký và có 197.952 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD) giỏi các cấp. Số lượng hội viên nông dân SXKD giỏi tăng dần về chất lượng qua từng năm.

Qua đó, 20 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập với 340 thành viên. Các cấp Hội vận động hội viên phát huy tính chủ động, tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần hình thành mô hình sản xuất chuyên canh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, XDNTM, tiêu biểu như các mô hình: trồng lúa nếp 87, tẻ đỏ tại xã Hát Lừu; trồng cây sơn tra tại các xã Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì (huyện Trạm Tấu); trồng lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ); chăn nuôi gà tại xã Minh Quán, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên); nuôi cá lồng tại xã Vĩnh Kiên, Hán Đà, (huyện Yên Bình); chăn nuôi trâu, bò tại các xã Động Quan, Tân Lĩnh, Minh Tiến (huyện Lục Yên); nuôi ong tại xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái); trồng, chế biến quế tại các xã của huyện Văn Yên…

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân được tăng cường, đạt kết quả rõ nét. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu trích ngân sách bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hội viên, nông dân đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ.

Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt 33,9 tỷ đồng và hiện có 170 dự án với 769 hộ vay nguồn vốn Quỹ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 442 lớp đào tạo nghề cho 13.303 hội viên; tỷ lệ hội viên có việc làm ổn định sau đào tạo đạt trên 50%.

Trong 5 năm, các cấp Hội phối hợp tổ chức 4.255 lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho 170.206 lượt hội viên. Hàng năm, Hội phối hợp cung ứng từ 3.000 – 5.000 tấn phân bón trả chậm giúp hội viên phát triển sản xuất; ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; tuyên truyền, vận động nông dân đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc sản lên sàn thương mại điện tử. Qua đó, đã phối hợp hỗ trợ đưa 138 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn, tạo 10.500 tài khoản mua và bán của hội viên trên các sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ nông sản.

Khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động hội viên hiến gần 500.000 m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, trên 30 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng trên 2.850 km đường giao thông nông thôn, trên 3.000 km kênh mương nội đồng và các công trình hạ tầng nông thôn. Các cấp Hội cũng đã vận động đã thành lập được 12 “Chi hội nông dân hạnh phúc”, 15 “Câu lạc bộ nông dân hạnh phúc”.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chủ trì tổ chức Giải bóng chuyền “Bông lúa vàng” hàng năm nhằm nâng cao đời sống tinh thần và tăng cường đoàn kết trong cán bộ, hội viên, nông dân. Phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, đăng ký sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có thể nói, nông dân Yên Bái ngày càng khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp và XDNTM, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thụ hưởng những thành quả từ Phong trào XDNTM, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: