Yên Bái nâng tầm sản vật mang thương hiệu đồng bào

Đến nay, người dân Trạm Tấu vẫn chẳng thể ngờ giống cây bản địa được trồng làm thực phẩm lúc “đứt bữa” mà giờ lại có người thu mua, săn đón, bán lãi được gần 5 chục triệu đồng/héc – ta như bây giờ. Đó là một ví dụ phát triển các sản vật của đồng bào vùng cao Yên Bái trở thành hàng hóa.

Nhiều nông sản của đồng bào vùng cao Yên Bái được hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiến tới được bày bán trong các hệ thống siêu thị. Trong ảnh: Một buổi giới thiệu sản phẩm giữa các hợp tác xã ở Yên Bái với Trung tâm Thương mại Big C.

Vùng cao Yên Bái có những đặc điểm riêng biệt về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác… khiến những nông sản do đồng bào trực tiếp sản xuất mang những nét đặc trưng riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Yếu tố đầu tiên là sạch, bởi tập quán canh tác thuận theo tự nhiên.

Thứ nữa là “độc đáo”. Hầu hết các sản vật của đồng bào vùng cao đều là những thực phẩm thông thường: thịt, cá, rau, củ, quả… nhưng nét “độc đáo” ở đây là nguồn giống bản địa, là cách thức sản xuất, là cách chế biến, là gia vị đặc trưng chứa đựng cả một truyền thống văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào.

Bởi vậy, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã tích cực định hướng, hỗ trợ, phát triển các sản vật của đồng bào trở thành hàng hóa, nâng tầm sản phẩm bằng Chương trình OCOP. Từ chỗ chỉ là sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của đồng bào vùng cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được định hướng, phát triển thành sản phẩm hàng hóa, được nâng tầm về chất lượng, có thiết kế bao bì, tem, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Khoai sọ nương của đồng bào Mông, Thái huyện Trạm Tấu là một trong số những sản phẩm thành công ngoài mong đợi.

Đến nay, người dân Trạm Tấu vẫn chẳng thể ngờ giống cây bản địa được trồng làm thực phẩm lúc “đứt bữa” mà giờ lại có người thu mua, săn đón, bán lãi được gần 5 chục triệu đồng/héc – ta như bây giờ.

Anh Giàng A Chỉnh ở xã Bản Mù chia sẻ: “Trước đây, cán bộ vận động mình trồng khoai sọ để thoát nghèo và làm giàu nhưng mình còn chẳng tin! Nhưng giờ thì tin thật rồi. Trồng đến đâu là bán được đến đó, được giá cao tới hơn chục nghìn đông một kilogam. Mùa thu hoạch, nhiều người đến tận thôn hỏi mua khoai sọ về làm quà, rồi thương lái dưới xuôi lên tận nương thu mua hay mình mang ra chợ bán cho khách du lịch cũng dễ lắm. Khoai sọ của đồng bào mình giờ đi khắp nơi rồi. Tự hào lắm!”.

Hiện, khoai sọ nương Trạm Tấu đã được người dân sơ chế nhặt rễ, sạch đất, phân loại khoai có chất lượng, đều củ, đóng trong từng túi nhỏ 1 kilogam để vận chuyển đi khắp cả nước. Một số ít còn được gọt sẵn, hút chân không sạch sẽ đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Sản phẩm còn được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đầu ra ngày một ổn định.

Những điều kiện này, đã giúp khoai sọ nương Trạm Tấu có một bước tiến dài trên thị trường; bởi vậy, diện tích khoai sọ tăng dần qua mỗi năm, đến nay, đã đạt tới 800 ha, đem lại thu nhập ước chừng 100 tỷ đồng cho đồng bào.

Một vài năm trở lại đây, khả năng nhận diện của các sản vật “made in” đồng bào vùng cao Yên Bái trên thị trường đang ngày một rõ nét. Bởi vì, không chỉ phát triển thành sản phẩm hàng hóa, hàng loạt các sản vật của đồng bào đã, đang tiếp tục được xây dựng phát triển theo Chương trình OCOP và đảm bảo điều kiện để được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, được quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại và giao dịch mua bán trên nhiều sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Tiêu biểu có thể kể đến như: chè Shan tuyết, nếp Tú Lệ, măng sặt ở Văn Chấn; mật ong rừng, su su bao tử, nấm hương ở Mù Cang Chải; gạo tẻ đỏ, nếp cẩm nương, nếp lẩu cáy, khoai sọ nương ở Trạm Tấu…

Điều này, cũng đồng nghĩa với việc các sản vật của đồng bào đã được hoàn thiện quy trình làm ra sản phẩm, có sự bảo đảm về chất lượng, có bao bì, mẫu mã đẹp mắt, nhất là sự minh chứng về quy trình, cách thức, nguồn gốc nguyên liệu để tạo ra sản phẩm. Để đưa các sản vật này đi xa hơn, giữ được lâu ngày hơn, tiện cho người sử dụng hơn, nhiều tổ chức, hộ kinh doanh còn bắt tay vào chế biến.

Quế của người Dao huyện Văn Yên không chỉ được sơ chế thành quế kẹp, quế điếu, mà còn được chưng cất tinh dầu, làm trà, quế bột, nước rửa chén, nước lau nhà. Măng rừng của đại ngàn Yên Bái được chế biến thành măng ớt, muối giòn, sấy khô đưa đi muôn nơi. Thịt lợn, thịt trâu được tẩm ướp gia vị đặc trưng của người Thái ở Mường Lò tạo thành món lợn sấy, trâu sấy, lạp xưởng hun khói hút khách nhất là khi tết đến xuân về…

Nâng tầm về chất lượng và hình thức, sản vật của đồng bào vùng cao sẽ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập, giúp đồng bào từng bước thoát nghèo. Rồi nhanh thôi, sản vật “made in” đồng bào vùng cao Yên Bái sẽ được đứng chân trong các siêu thị cả nước, cả xuất khẩu nữa!

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601040
  • Truy cập hôm nay: 59
  • Đang trực tuyến: 1