Yên Bái nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp

Các hợp tác xã (HTX) đã phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai, tài nguyên, ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh; năng động đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, mở rộng nhà xưởng. Đồng thời sáng tạo, đổi mới về hình thức, bao bì, mẫu mã sản phẩm, chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để tăng sức cạnh tranh.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham quan mô hình sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã Rượu mộc Yên Hưng.

Những ngày này, các thành viên HTX Mây tre Mạnh Hằng ở thôn 6, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đang tích cực đẩy nhanh các công đoạn sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng. Ông Nguyễn Văn Mạnh – Giám đốc HTX Mây tre Mạnh Hằng cho biết: “Nhận thấy lợi thế của địa phương có nghề trồng rừng với các loại tre, hóp, luồng phát triển, HTX đã nghiên cứu thị trường, đầu tư máy móc sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu này thành các mặt hàng như: thang tre, dáo phục vụ xây dựng, bàn ghế, giường, tủ, chõng bằng mây tre phục vụ nội thất gia đình, cơ sở kinh doanh… Do có nguồn nguyên liệu sẵn có, chất lượng tốt và số lượng các cơ sở sản xuất không nhiều nên sản phẩm của HTX có sức tiêu thụ tốt, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với mức thu nhập từ 7 triệu – 8,5 triệu đồng/người/tháng”.

Để tạo đà phát triển, HTX Mây tre Mạnh Hằng đã được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ Liên minh HTX để đầu tư phương tiện vận chuyển hàng hóa, máy móc, dây chuyền. Đến nay HTX đã đầu tư 5 dây chuyền máy móc mở rộng 4 xưởng sản xuất, công suất mỗi ngày tại 1 xưởng đạt tới 1.000 cây tre, doanh thu năm 2023 đạt 7,2 tỷ đồng.

Năm 2021, với mong muốn đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường, HTX Rượu Mộc Yên Hưng, huyện Yên Bình, đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến, chưng cất và hầm ủ các sản phẩm rượu. Trên cơ sở công thức nấu rượu truyền thống, HTX đã đầu tư máy móc hiện đại trong quy trình sản xuất, khử andehit, nhằm sản xuất ra các sản phẩm rượu an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Hiện tại, HTX đang sản xuất hai loại sản phẩm chính là rượu trắng hạ thổ ủ trong chum sành 1 năm và rượu mộc ngâm ủ trong thùng gỗ sồi với thời gian 2 năm. Năm 2022, hai sản phẩm của HTX đã đạt Chứng nhận OCOP 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm rượu ngâm ủ thùng gỗ sồi của HTX cũng đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 tỉnh Yên Bái.

Ông Trần Đình Thanh – Phó Giám đốc HTX Rượu Mộc Yên Hưng chia sẻ: “Từ khi đạt Chứng nhận OCOP 3 sao và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Yên Bái, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và sản phẩm của HTX đã được thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ ngày càng nhiều hơn; hiện tại sản phẩm của HTX đã được giới thiệu và bán ở một số cửa hàng, đại lý trên thị trường thành phố Yên Bái, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước”.

Cùng với 2 HTX trên, những năm qua, nhiều HTX TTCN trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong việc phát huy nội lực để đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các HTX trong lĩnh vực này còn chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ…

Bên cạnh việc phát huy nội lực của các HTX, các cấp, ngành liên quan cũng đã có sự quan tâm, hỗ trợ. Ông Nguyễn Đức Lâm – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản trị HTX, an toàn lao động trong HTX; hỗ trợ các HTX vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…”.

Qua đó, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX trong lĩnh vực này không ngừng được nâng lên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 763 HTX, trong đó có 114 HTX công nghiệp, TTCN với trên 1.000 thành viên, vốn điều lệ là 353,8 tỷ đồng. Các HTX công nghiệp, TTCN trên địa bàn chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các ngành nghề: cơ khí, gia công mộc mỹ nghệ, chế biến ván, gỗ, sản xuất chế biến rượu, miến, mây tre đan…

Thời gian qua, các HTX đã phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai, tài nguyên, ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh; năng động trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, mở rộng nhà xưởng. Đồng thời sáng tạo, đổi mới về hình thức, bao bì, mẫu mã sản phẩm, chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để tăng sức cạnh tranh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều HTX đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao có thị trường tiêu thụ rộng. Từ đó, các HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 3.000 lao động khu vực nông thôn với mức thu nhập bình quân đạt 6-8 triệu đồng/tháng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể. Đồng thời khuyến khích các HTX TTCN mở rộng sản xuất kinh doanh các ngành, nghề mới để tìm kiếm thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 603066
  • Truy cập hôm nay: 104
  • Đang trực tuyến: 1