Yên Bái mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn hộ sản xuất đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh đã chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng sàn TMĐT và các sàn TMĐT như: Voso.vn, Postmart.vn.

Các TMĐT này đang là công cụ hữu hiệu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.

Hội Nông dân tỉnh đã sớm quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp mở tài khoản giới thiệu, mua, bán trên các sàn TMĐT.

Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân, giới thiệu được 3.550 sản phẩm; trong đó, có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại đạt trên 1 tỷ đồng.

Tuy đạt được những kết quả khích lệ, nhưng việc đưa nông sản lên sàn TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như: trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận về chuyển đổi số của không ít cán bộ cơ sở, người dân, doanh nghiệp, nhất là các hộ nông dân còn hạn chế.

Cùng với đó, chất lượng, số lượng sản phẩm, mẫu mã, một số sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh và khả năng đáp ứng, sản phẩm cơ bản chưa chế biến sâu nên khó khăn trong khâu bảo quản đến người tiêu dùng.

Việc kết nối Internet, tiếp cận các thiết bị thông minh, ứng dụng, nền tảng số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, vẫn còn hơn 5% hộ gia đình chưa có thiết bị thông minh, hơn 7% các thôn, bản chưa được tiếp cận dịch vụ Internet tốc độ cao. Sự quan tâm, tương tác của cộng đồng và nhân dân ngay trên sàn TMĐT của tỉnh mình cũng chưa tương xứng…

Ông Hoàng Xuân Long – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Đứng trước cơ hội và cả những khó khăn trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, nhất là trong nhiệm vụ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Hội xác định việc đầu tiên là phải tuyên truyền mạnh mẽ, thực chất, tập trung vào các chủ thể, các HTX, tổ hợp tác, các chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các hộ, nhóm hộ nông dân nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn, coi đây là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn hiện nay. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành địa phương khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp có năng lực, bảo đảm về chất lượng, đóng gói sản phẩm mẫu mã đẹp để giới thiệu tham gia các sàn TMĐT nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường”.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh, ký chương trình phối hợp với Viettel. Để đạt được hiệu quả cao, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với Bưu điện tỉnh, chi nhánh bưu chính Viettel, các sàn TMĐT tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn TMĐT để hướng dẫn tham gia giao dịch trên.

Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn chủ động cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp cho sàn TMĐT; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT; xây dựng quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy của khách hàng khi mua sản phẩm nông sản.

Việc hỗ trợ, kết nối đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT giúp doanh nghiệp thuận lợi tối đa trong việc phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất thông qua việc tích hợp các giải pháp về thanh toán, logistics…, góp phần đưa nền kinh tế có sự bứt phá và phát triển bền vững.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 600121
  • Truy cập hôm nay: 113
  • Đang trực tuyến: 5