Yên Bái luôn chào đón các nhà đầu tư cùng hợp tác, phát triển

Nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Bắc Việt Nam, Yên Bái là một điểm đến hấp dẫn, luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn và đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư.

Tiềm năng và lợi thế

Nằm trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Yên Bái là địa phương giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc, là đầu mối trung chuyển hàng hóa từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên cửa khẩu Lào Cai.

Yên Bái có lợi thế nổi trội với mạng lưới giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong đó có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua địa bàn với tổng chiều dài trên 80 km; có 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 400 km. Đặc biệt, Yên Bái có 8 cây cầu kiên cố, hiện đại vượt sông Hồng, trong đó riêng thành phố Yên Bái được đầu tư 5 cây cầu. Đường sắt quốc gia qua tỉnh Yên Bái dài hơn 100km, nối liền Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai với 9 ga nằm dọc theo địa bàn tỉnh, có năng lực xếp dỡ hàng hóa 3000 tấn/ngày. Về đường thủy có tuyến dọc sông Hồng vận tải qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc về Hà Nội. Hiện tại Yên Bái quy hoạch xây dựng 2 cảng hàng hóa gắn với 2 khu công nghiệp phía Nam và khu công nghiệp Âu Lâu của tỉnh.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đồng chí Trần Quốc Vượng – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Giới Phiên

Tỉnh có tài nguyên khoáng sản đa dạng với 257 mỏ và điểm mỏ, có hầu hết các khoáng sản chính của Việt Nam; có tài nguyên rừng phong phú (tỉ lệ che phủ rừng đạt 63%, có các khu bảo tồn Nà Hẩu, Chế Tạo) đây là nguồn nguyên liệu cho các ngành chế biến sản phẩm cao cấp từ gỗ.

Yên Bái còn nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ, Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ…, hồ Thác Bà là viên ngọc quý; có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn…là tiềm năng để phát triển du lịch trên địa bàn .

Tỉnh Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào (trên 85 vạn dân với 63% dân số trong độ tuổi lao động); chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 66,1%.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tỉnh đã quy hoạch theo hướng thu hút các dự án phát triển chăn nuôi, thủy sản và chế biến để xuất khẩu tập trung quy mô lớn, ngoài khu dân cư, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát huy thế mạnh chế biến gỗ rừng trồng. Thu hút các dự án phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch.

Trong nông nghiệp, Yên Bái đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm: Vùng quế trên 81.000 ha, măng tre Bát Độ trên 5.000 ha, Sơn Tra trên 9.200 ha, vùng chè trên 7.300 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, rừng trồng nguyên liệu trên 90.000 ha, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững trên 11.000 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Đặc biệt, cây chè và cây quế của Yên Bái được đánh giá là nhóm cây trồng có chất lượng cao của Việt Nam.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 4 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích trên 966 ha bao gồm: Khu công nghiệp phía Nam diện tích 400ha, Khu công nghiệp Minh Quân diện tích trên 107ha và Khu công nghiệp Âu Lâu diện tích 120ha; khu công nghiệp Trấn Yên với diện tích 339ha. Các Khu công nghiệp này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cơ bản được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giải phóng mặt bằng, đường giao thông, đường điện, nước ….Đến nay, thu hút được 84 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 13.000 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh tham quan Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 15 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích trên 773 ha, trong đó 10 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và được đầu tư một phần cơ sở hạ tầng, như: Đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước. Đã thu hút được 60 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 4.153 tỷ đồng; 42 dự án đã đi vào sản xuất, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 40%.

Đặc biệt, trong tháng 9/2023, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư

Với mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng vào năm 2030, trong những năm qua, Yên Bái đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, trong đó chú trọng về đầy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ người dân doanh nghiệp. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, chỉ số CCHC của tỉnh năm 2022 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Yên Bái xếp thứ 11/63 về chỉ số SIPAS đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Để hỗ trợ doanh nghiệp UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cũng như tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Chương trình “Cafe doanh nhân” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Yên Bái đẩy mạnh phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình “Cafe doanh nhân”; thành lập tổ công tác chuyên giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tháng 4/2023 tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hút đầu tư tỉnh Yên Bái do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án tại tỉnh Yên Bái.

Xác định rõ chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, nên ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, khi đến với Yên Bái, các nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi theo các chính sách riêng của tỉnh về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ về san tạo, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương; kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và chính sách ưu đãi về thuế, chuyển đổi số.

Đến với tỉnh Yên Bái, nhà đầu tư được tư vấn, hướng dẫn chu đáo về quy trình, hồ sơ đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư. Đối với những dự án lớn, tỉnh chỉ đạo thành lập các tổ công tác giúp đỡ doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết: “Tỉnh Yên Bái luôn chào đón các nhà đầu tư đến với Yên Bái. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư về cơ chế chính sách để phát triển; thường xuyên tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để đối thoại, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nhân và doanh nghiệp, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để Yên Bái thực sự là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp theo đúng quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp”.

Cùng với những tiềm năng thế mạnh và các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, Yên Bái luôn chào đón các nhà đầu tư đến với Yên Bái cùng hợp tác, phát triển.

DANH MỤC DỰ ÁN THU HÚT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

GIAI ĐOẠN 2023 – 2030

(Theo Quyết định số 1103/QĐ-UBND ngày 28/6/2023)

1. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản:

– Dự án xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC;

– Dự án trồng, sản xuất chế biến cây dược liệu;

– Dự án đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao quy mô lớn;

– Dự án phát triển vùng sản xuất Măng tre Bát Độ;

– Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến cây dược liệu;

– Dự án trồng hoa, rau, củ, quả sạch công nghệ cao;

– Dự án trồng và chiết xuất tinh dầu xả.

2. Lĩnh vực công nghiệp:

* Công nghiệp chế biến, chế tạo:

– Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ MDF, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất viên gỗ nén.

– Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử; sản xuất các chi tiết tiêu chuẩn, khuân mẫu chính xác, vật liệu cắt gọt và gia công áp lực; sản xuất thiết bị cơ khí, khí cụ điện.

– Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sứ vệ sinh, sứ dân dụng, gạch ốp lát và các loại vật liệu xây dựng cao cấp.

– Dự án đầu tư nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm.

– Dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế, chế biến các sản phẩm từ quả Sơn Tra và quả có múi; sản xuất, chế biến chè Shan tuyết.

– Dự án đầu tư xây dựng nhà máy giầy da xuất khẩu.

– Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản;

– Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao; sản xuất phụ tùng, máy móc thiết bị chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản.

– Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Mô; Dự án Nhà máy điện sinh khối.

– Nhóm ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải: Xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhà máy sản xuất nước sạch, xử lý chất thải rắn nguy hại.

– Hạ tầng đô thị: Dự án Phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ, đầu tư xây dựng khu đô thị mới, phát triển khu đô thị, nhà ở.

3. Lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ – Du lịch:

– Kinh doanh vận tải, kho bãi: Dự án đầu tư cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa và Trung tâm Logistics; Dự án đầu tư xây dựng tuyến cáp treo

– Dịch vụ lưu trú và ăn uống: Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe phát triển du lịch trải nghiệm.

– Thương mại: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm mua sắm và cho thuê văn phòng.

4. Lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp:

* Khu công nghiệp:

– Dự án dự kiến đầu tư mới:

+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Y Can, tỉnh Yên Bái;

+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Đông An, tỉnh Yên Bái;

+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên, tỉnh Yên Bái;

+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thịnh Hưng, tỉnh Yên Bái;

+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Minh Quân.

* Cụm công nghiệp

Các dự án đang thực hiện: Cụm công nghiệp Bắc Văn Yên; Cụm công nghiệp Thịnh Hưng; Cụm công nghiệp Báo Đáp; Cụm công nghiệp Đông An; Cụm công nghiệp Âu Lâu

Dự án dự kiến đầu tư mới: Cụm công nghiệp Minh Quân; Cụm công nghiệp Hợp Minh; Cụm công nghiệp Phú Thịnh 3; Cụm công nghiệp An Thịnh; Cụm công nghiệp Xuân Ái; Cụm công nghiệp Bảo Minh; Cụm công nghiệp Bảo Hưng 2.

Theo Cổng TTĐT tỉnh

 

 


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 605576
  • Truy cập hôm nay: 756
  • Đang trực tuyến: 1