Yên Bái khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh

Nhiều khách hàng truyền thống, có uy tín, ngân hàng mời chào để giải ngân vốn song họ lại không có nhu cầu nhiều do hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm nên chủ yếu sản xuất cầm chừng. Một số khách hàng có nhu cầu vay song điều kiện để vay lại không bảo đảm, ngân hàng cũng không dám giải ngân, mặc dù rất cần tăng trưởng tín dụng.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Văn Yên tư vấn cho khách hàng.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đang dư thừa nguồn vốn và đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Dòng tiền tín dụng gửi vào các ngân hàng cũng vẫn tăng nhanh trong khi dư nợ của nhiều tổ chức tín dụng lại đang có xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Theo các NHTM, việc tăng trưởng tín dụng giảm có nguyên nhân là do tính quy luật – nhu cầu vốn thường giảm trong dịp tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng vì chưa đủ khả năng trả hết khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Hơn nữa, khi nguồn lực cạn kiệt cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay để bổ sung vốn lưu động và đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cấp dây chuyền hoạt động.

Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng cần tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp và nâng cao giá trị tài sản bảo đảm để thế chấp vay vốn. Đối với các NHTM, tuy dù nguồn vốn dư thừa nhưng việc giải ngân lại hết sức thận trọng khi mà tài sản bảo đảm (chủ yếu là bất động sản, dây chuyền máy móc) đang giảm mạnh.

Ông Trần Văn Hiếu – Phó Giám đốc Agribank huyện Văn Yên, Bắc Yên Bái cho biết: “Đối với nhiều khách hàng truyền thống, có uy tín, ngân hàng mời chào để giải ngân vốn song họ lại không có nhu cầu nhiều do hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm nên chủ yếu sản xuất cầm chừng. Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn song điều kiện để vay lại không bảo đảm, ngân hàng cũng không dám giải ngân, mặc dù rất cần tăng trưởng tín dụng”.

Tháo gỡ khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải ngân các dự án đã cam kết, cho vay các đối tượng chính sách xã hội, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55, Nghị định số 116 của Chính phủ ước đạt 19.300 tỷ đồng, tăng 0,09%, chiếm 44,8% tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ước đạt 13.350 tỷ đồng, tăng 2,5%, chiếm 30,97% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 9,45%, chiếm 2,55% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 20,9%, chiếm 20,6% tổng dư nợ.

Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh thực hiện cho vay đối với 18 chương trình tín dụng, dư nợ đến 29/2/2024 đạt 4.967 tỷ đồng, tăng 2,04% so với 31/12/2023; ước đến 31/3/2024 đạt 4.990 tỷ đồng, tăng 2,53% so với năm 2023. Kết quả trên đã thực sự giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo.

Ông Nguyễn Quang Đạt – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: “Thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các NHTM hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đối với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp, như: dự án đủ điều kiện, dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại”.

“Các ngân hàng cần tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng; tối ưu hóa, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng cho phù hợp từng phân khúc khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất – kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, ông Đạt nói.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, ước đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 43.100 tỷ đồng, tăng 3,78% so với 31/12/2023. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 18.964 tỷ đồng, giảm 2,71% so với 31/12/2023, chiếm 44% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 24.136 tỷ đồng, tăng 9,52% so với 31/12/2023, chiếm 56% tổng dư nợ; chủ yếu cho vay bằng Việt Nam đồng, chiếm 99,19% tổng dư nợ.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 603086
  • Truy cập hôm nay: 124
  • Đang trực tuyến: 1