Kết thúc 6 tháng đầu năm, công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mức tăng trưởng khá, đạt trên 1.701 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, nhiệm vụ thu NSNN thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi ngành thuế phải phấn đấu cao hơn nữa.
Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, có khả năng ảnh hưởng đến tình hình thu NSNN. Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.701,5 tỷ đồng, bằng 48,3% so với dự toán Trung ương giao, bằng 32,1% dự toán tỉnh, bằng 116,2% so cùng kỳ.
Trong đó: thu tiền sử dụng đất đạt 450,4 tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán tỉnh giao, bằng 163,5% so cùng kỳ; thu từ xổ số đạt 16,9 tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán tỉnh, bằng 80,4% so cùng kỳ; thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 1.068,3 tỷ đồng, bằng 49,7% so dự toán Trung ương, bằng 40,7% dự toán tỉnh, bằng 104% so cùng kỳ; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước đạt 19,8 tỷ đồng, bằng 79,3% so với dự toán, bằng 74% so cùng kỳ…
So với năm 2023, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực hơn, nhưng tiến độ thu 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn chậm so với dự toán giao.
Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, ngành thuế đã triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp, trong đó có 21 giải pháp cụ thể đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023. Cục Thuế tỉnh phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN mà Bộ Tài chính, HĐND tỉnh giao, giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN cho các đơn vị thu. Yêu cầu chi cục thuế các huyện, thành phố, khu vực tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với người nộp thuế…
Ông Nông Xuân Hùng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ: “Điều kiện kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng còn khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, sức mua của thị trường còn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn cao; dự báo thời tiết khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, được sự quan tâm và điều hành linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương, cùng với sự tập trung, nỗ lực của công chức, người lao động, công tác thu NSNN đã đạt được những kết quả quan trọng. Các nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội được quán triệt thực hiện đầy đủ. Công tác quản lý nội ngành, công tác phòng chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm chống lãng phí được chú trọng và có nhiều kết quả tốt, đảm bảo ngày càng phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống”.
Năm 2024, tỉnh Yên Bái được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách Nhà nước 3.524 tỷ đồng; dự toán HĐND tỉnh giao 5.300 tỷ đồng; kịch bản thu ngân sách được UBND tỉnh phê duyệt 6.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành thuế Yên Bái sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện dự toán thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao năm 2024.
Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách; triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp thực hiện.