Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.310 doanh nghiệp đang hoạt động. Quá trình sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ đồng thời xây dựng, phát triển, nâng cấp các hệ thống phần mềm hiện có để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ, tiện ích chung của tỉnh.
Công ty Điện lực Yên Bái là một trong 5 đơn vị thí điểm CĐS giai đoạn 2022-2023. Sau hơn 1 năm thực hiện, Công ty đã làm tốt công tác CĐS. Hiện, Công ty đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu của khách hàng qua hệ thống điện tử, thực hiện số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, áp dụng chữ ký số và xác nhận qua mã OTP.
Công ty cũng tổng hợp số liệu thực hiện các ứng dụng CĐS kỹ thuật, thực hiện tổng hợp các phiên kiểm tra hiện trường đủ điều kiện để link sang báo cáo kiểm tra định kỳ trên Web Quản lý trung áp, trong lĩnh vực an toàn đã thực hiện số hóa gồm các phân hệ quản lý trên phần mềm ECP.
Cùng với đó, triển khai các phần mềm dùng chung, phần mềm do đơn vị tự xây dựng và tích cực áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 77,2%; giải quyết các yêu cầu của khách hàng bằng phương thức điện tử đạt trên 98%, đồng thời hoàn thành CĐS 100% hợp đồng mua bán điện.
“Yên Bái là một trong những tỉnh thực hiện tương đối tốt công tác CĐS, do đó hiệu quả đem lại rất rõ như toàn bộ hệ thống đóng cắt của 6 trạm biến áp 110 trên địa bàn đều được Công ty đóng cắt từ xa và các trạm biến áp bây giờ vận hành theo chế độ không người trực” – ông Cao Bình Định, Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho biết.
Hay như Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái thực hiện tốt ứng dụng Văn phòng điện tử, hợp đồng điện tử. Hiện nay, Công ty thực hiện 100% hợp đồng điện tử với khách hàng lắp đặt mới; số khách hàng thanh toán tiền nước bằng chuyển khoản chiếm trên 72%, trong đó 100% khách hàng là đơn vị, cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt. Số lượng khách hàng cài đặt và truy cập ứng dụng “Nước sạch” để tra cứu quá trình sử dụng nước ngày càng tăng.
Công ty cũng đã cung cấp ứng dụng tin nhắn Zalo OA của doanh nghiệp đến khách hàng sử dụng nước, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi mọi thông tin về quá trình cung cấp nước của đơn vị như: thông tin về chỉ số đồng hồ, khối lượng sử dụng và giá trị thanh toán tiền nước, thông báo tạm ngừng cấp nước do sự cố hoặc do điện lực ngừng cấp điện và một số nội dung khác.
Chị Hoàng Yến ở tổ 11, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Gia đình tôi vừa ra Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái để ký hợp đồng cung cấp nước sạch. Nói là ra ký hợp đồng nhưng tôi không phải ký gì, vì giờ Công ty ký hợp đồng điện tử, xác thực bằng hình ảnh khuôn mặt khi xong hợp đồng cũng được lưu trên hệ thống, tôi chỉ cần cài app trên điện thoại là xem được. Nhân viên Công ty cũng hướng dẫn tôi truy cập vào các ứng dụng để tra cứu và thanh toán hóa đơn trực tuyến thông qua trang web của Công ty. Tôi thấy như này rất tiện cho khách hàng, mà Công ty lại dễ quản lý hồ sơ”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.310 DN đang hoạt động. Thời gian qua, tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhằm phổ biến, chuyển đổi nhận thức về kinh tế số, CĐS trong DN, hợp tác xã trên địa bàn. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng cũng như lợi ích, sự cần thiết của CĐS mang lại. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cộng đồng DN quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời xây dựng, phát triển, nâng cấp các hệ thống phần mềm hiện có để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ, tiện ích chung của tỉnh. Trong đó, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị; ứng dụng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; trong công tác quản lý, theo dõi khách hàng…
Đến nay, 100% DN, hợp tác xã tham gia sử dụng dịch vụ khai, nộp thuế điện tử; 100% DN trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức kinh doanh thông qua hoạt động điện tử và trang bị hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử; trên 95% DN sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa vàng” để các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Do đó, cùng với các chính sách hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, sự tích cực hưởng ứng và tham gia vào công cuộc CĐS của các DN sẽ là nhân tố quan trọng trong mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số. Đó cũng là yếu tố góp phần đưa Yên Bái bứt phá về các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính trong những năm tiếp theo.