Yên Bái chuyển đổi số trong hợp tác xã

Du khách đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR có thể xem được các thông tin, câu chuyện kể về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đó là một trong những lợi ích từ chuyển đổi số mang lại trong các hợp tác xã, tổ hợp tác ở Yên Bái hiện nay.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của Yên Bái.

Bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ cũng như trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.

Để sản phẩm chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, những năm qua, HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã tăng cường phối hợp quảng bá thương hiệu bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa với phát triển du lịch; đồng thời ứng dụng công nghệ trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của HTX.

Vừa qua, HTX Suối Giàng được tỉnh hỗ trợ chuyển đổi số với 5 nội dung, nổi bật là triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè Shan tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên.

Lâm Thị Kim Thoa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: “Bước đầu thí điểm triển khai đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng; đồng thời, cũng giúp du khách đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR có thể xem được các thông tin, câu chuyện kể về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bà con trong bảo tồn, giữ gìn cây chè quý”.

Được biết, hiện nay, HTX Suối Giàng đã có 4 dòng sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” gồm: hồng trà, hoàng trà, diệp trà và bạch trà được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm… xuất khẩu sang thị trường Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong CĐS, HTX Chè Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, quảng bá hình ảnh cây chè Shan tuyết và thương hiệu của HTX trên các sàn thương mại điện tử…

Anh Đỗ Tuấn Lương – Giám đốc HTX Chè Shan tuyết Phình Hồ cho biết: “Sau gần 1 năm áp dụng CĐS trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, HTX đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ thành viên, sản lượng chè thành phẩm đạt 3 tấn, giá ổn định và bán lẻ ra thị trường đến thời điểm hiện tại là 2,5 tấn. Thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng Tiktok và Facebook”.

Cũng theo anh Đỗ Tuấn Lương, với những kết quả đạt được về thị trường, thương hiệu trong CĐS, bước sang năm 2024, HTX dự kiến sản xuất 15 tấn chè thành phẩm và cam kết thu mua giá chè đầu vào tăng 5% so với năm 2023.

Hiện nay, toàn tỉnh có 727 HTX với 31.989 thành viên và 5.397 THT với trên gần 27.000 thành viên. Qua đánh giá cho thấy, các HTX đã bước đầu ứng dụng khoa học, công nghệ trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong quản lý sản xuất kinh doanh.

Đi cùng với đó, các HTX, THT đã có nhiều sản phẩm, hàng hóa được thực hiện quảng bá, giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google, tiêu biểu như: HTX Dịch vụ nông – lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (Văn Yên); HTX Suối Giàng, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn), HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải (Mù Cang Chải)…

Có thể thấy, việc CĐS hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.

Tuy nhiên, hiện nay, tại khu vực kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp việc thực hiện CĐS còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX còn lạc hậu, nhiều đơn vị chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng Internet và còn xa lạ với các phần mềm, tiện ích như: phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, phần mềm quản lý bán hàng… Nguồn vốn đầu tư cho CĐS còn hạn hẹp, nguồn nhân sự có năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin còn hạn chế…

Theo ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về CĐS để làm cho các HTX thay đổi tư duy, nhận thức rõ về chuyển đổi số, chấp nhận điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh.

Bên cạnh đó, Liên minh triển khai các chính sách hỗ trợ đầu từ hạ tầng công nghệ, tạo hành lang thuận lợi để các HTX, thành viên, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các HTX, thành viên tham gia vào các mạng lưới chuyên nghiệp để trao đổi, tìm hiểu và thí điểm các giải pháp kỹ thuật số chung; học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682417
  • Truy cập hôm nay: 713
  • Đang trực tuyến: 8