Tình hình thực hiện vốn đầu tư tỉnh Yên Bái 03 tháng đầu năm 2024

Dự kiến vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2023 đạt 3.150,9 tỷ đồng, đạt 15,0% kế hoạch năm 2024, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Yên Bái đã tiến hành huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng với tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Trong quý I/2024, doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các công trình chuyển tiếp, đồng thời tỉnh thực hiện cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách, do đó vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước giảm so cùng kỳ (giảm 2,87%) và khu vực ngoài nhà nước tăng chậm (tăng 3,73%) đã làm tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện quý I tăng thấp so cùng kỳ (tăng 1,75%).

Dự kiến vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2023 đạt 3.150,9 tỷ đồng, đạt 15,0% kế hoạch năm 2024, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực Nhà nước ước đạt 963,5 tỷ đồng, chiếm 31,58% tổng vốn, đạt 14,09% kế hoạch, giảm 2,87% so với cùng kỳ năm trước. (Vốn ngân sách nhà nước đạt 763,7 tỷ đồng , chiếm 79,26%, đạt 13,15% kế hoạch, giảm 3,54% so với cùng kỳ năm trước. Vốn vay từ các nguồn khác đạt 3,0 tỷ đồng, chiếm 0,31%, đạt 3,97% kế hoạch, tăng 44,14% so với cùng kỳ năm trước. Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 11,8 tỷ đồng, chiếm 1,22%, đạt 12,43% kế hoạch, tăng 38,13% so với cùng kỳ năm trước. Vốn khác đạt 185,0 tỷ đồng, chiếm 19,21%, đạt 21,49% kế hoạch, giảm 2,41% so với cùng kỳ năm trước).

Để đảm bảo kế hoạch đề ra, ngay từ quý đầu tiên của năm kế hoạch 2024, tỉnh Yên Bái đã tiến hành huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng với tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ưu tiên đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trọng tâm là hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện hữu, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách, ưu tiên nguồn lực nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời khởi công mới một số dự án trọng điểm, quan trọng.

Về tiến độ giải ngân các nguồn vốn thuộc khu vực Nhà nước qua hệ thống TABMIS của Kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 10/3/2024 đạt 631,8 tỷ đồng, đạt 14,02% kế hoạch vốn đã được phân bổ (4.506 tỷ đồng), cùng thời điểm này năm trước đạt 4,76% kế hoạch. Trong đó nguồn vốn do trung ương và địa phương quản lý lần lượt đạt 12,04% và 18,33%. Tỷ lệ giải ngân vốn do địa phương quản lý đạt thấp do mới chỉ giải ngân được các nguồn vốn ngân sách tỉnh tự cân đối, trung ương hỗ trợ có mục tiêu, ngân sách huyện tự cân đối, sử dụng đất cấp huyện; các nguồn vốn khác chưa hoàn thiện thủ tục thanh toán hoặc chưa có khối lượng giải ngân.

Khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 2.074,9 tỷ đồng, chiếm 65,85% trong tổng số, đạt 15,47% kế hoạch, tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước. (Bao gồm: Vốn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 825,0 tỷ đồng, chiếm 39,76%, đạt 13,89% kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước do việc triển khai thực hiện các dự án khu đô thị 60 ha Green Park Yên Bái, dự án thuộc Tập đoàn Bảo Lai, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc, các nhà máy sản xuất điện trên địa bàn… tiếp tục duy trì ổn định sản xuất. Vốn đầu tư của dân cư ước đạt 1.249,9 tỷ đồng, chiếm 60,24%, đạt 16,73% kế hoạch năm 2024, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước).

Thực hiện chủ trương tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư, tỉnh Yên Bái đang tích cực hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn như: Dự án xây dựng cảng BBCIM Yên Bái do công ty cổ phần gang thép BB CIM Holdings đầu tư với tổng mức đầu tư lên tới 713 tỷ. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phú Thịnh 3 do Công ty cổ phần công nghiệp EUP đầu tư tại Khu công nghiệp phía Nam, xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, huyện Yên Bình với tổng mức đầu tư 550 tỷ. Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến Quế tại Văn Yên, Yên Bái do Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà triển khai dự án tại thôn Yên Dũng, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có tổng vốn đầu tư 286 tỷ đồng. Dự án xây dựng công trình thương mại tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái – thuộc Khu đô thị mới (quỹ đất trên trục đường cầu Bách Lẫm đi cầu Tuần Quán) do Công ty cổ phần bất động sản Việt – Nhật triển khai tại Phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái với tổng vốn đầu tư lên 16 tới 223,8 tỷ đồng. Dự án Nhà máy sản xuất và gia công giày xuất khẩu do Công ty TNHH Giày Ruian Việt Nam đầu tư tại Khu công nghiệp Minh Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có tổng vốn đầu tư là 160 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng khu sơ chế và bãi tập kết nguyên liệu đá hoa trắng tại xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái do Công ty TNHH đá cẩm thạch An Phú đầu tư tại Thôn Khau Ca, xã An Phú, huyện Lục Yên có tổng vốn đầu tư là 74 tỷ đồng. Dự án đầu tư đường dây và TBA 110 kV Bảo Hưng do Tổng Công ty điện lực miền Bắc đầu tư tại thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có tổng vốn đầu tư 78,1 tỷ,…

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 112,5 tỷ đồng, chiếm 3,63% trong tổng số, đạt 14,99% kế hoạch, tăng 7,75% với cùng kỳ năm trước. Quý I/2024 hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều tín hiệu khả quan và khởi sắc so với cùng kỳ như: Dự án nhà máy sản xuất giấy Kiến Phát của Công ty cổ phần thực nghiệp Kiến Phát (MSDN: 5200905206) liên doanh với Công ty TNHH Giấy Đằng Phong (Phúc Kiến) (Trung Quốc); Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn SPC của Công ty TNHH công nghệ vật liệu mới Thiên Lam liên doanh Công ty Yifan Industry (Hàn Quốc) Co., limited – Tổ chức kinh tế thực hiện dự án,…

Trong toàn bộ các ngành kinh tế, các ngành chiếm tỷ trọng đầu tư lớn trong quý I/2024 là: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,43% (các dự án thủy lợi); khai khoáng 8,72% (các dự án khai thác quặng); Công nghiệp chế biến, chế tạo 12,97% (các dự án chế biến bột đá, hạt nhựa phụ gia, chế biến gỗ); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 11,01% (các dự án thủy điện); vận tải, kho bãi 11,57% (các dự án về giao thông); hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc 8,2%; giáo dục và đào tạo 2,16%; y tế và các hoạt động cứu trợ xã hội 1,89%; hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình 33,11% (xây dựng nhà ở trong dân).

Để tạo đà ngay từ những quý đầu năm, các sở, ngành địa phương cần có kế hoạch giải ngân chi tiết các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 theo tiến độ từng quý, sáu tháng và cả năm, kịp thời có giải pháp điều chỉnh vốn, điều chỉnh nhiệm vụ chủ đầu tư đối với các công trình, dự án không đáp ứng tiến độ đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án, công trình trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các dự án phát triển quỹ đất thu ngân sách. Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới, đảm bảo khởi công các dự án kịp tiến độ.

Theo Cổng TTĐT tỉnh


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 600271
  • Truy cập hôm nay: 263
  • Đang trực tuyến: 3