Phong Dụ Thượng – “tiên cảnh” nơi vùng cao Tây Bắc

Những thửa ruộng bậc thang đón nước về, phản chiếu bầu trời và những tia nắng rực rỡ, tạo nên khung cảnh vô cùng đẹp đẽ và long lanh. Xen lẫn vào đó là đồi hoa mua sặc sỡ, trải dài hàng trăm mét cùng những cánh rừng nguyên sinh, nương quế ngút ngàn, khe suối hoang sơ, yên bình… Nơi đó gọi tên Phong Dụ Thượng, một trong những “tiên cảnh” nơi vùng cao Tây Bắc.

Cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa nước đổ.

Những ngày giữa Hạ, đến hẹn lại lên chúng tôi trở lại với Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Những thửa ruộng bậc thang sau những tháng ngày khô hạn được đánh thức bởi những cơn mưa hạ đầu mùa bắt đầu trút xuống, nước tràn về trên từng thửa ruộng bậc thang tựa như những tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, núi rừng Tây Bắc… biến mảnh đất phía tây của đất quế Văn Yên trở thành điểm hẹn của nhiều du khách.

Vẻ đẹp mê hồn ruộng bậc thang Phong Dụ Thượng

Với quần thể ruộng bậc thang thôn Khe Táu, suối nước nóng thôn Cao Sơn, thác nước Khe Ban, Khe Mạng, hiếm có vùng đất nào trên địa bàn huyện Văn Yên lại “tích tụ” nhiều tiềm năng du lịch như Phong Dụ Thượng – mảnh đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách cùng nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, đặc biệt của đồng bào Mông.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch một cách bền vững. Diện tích toàn khu vực ruộng bậc thang ước gần 50ha ở độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển. Toàn bộ địa hình ruộng bậc thang nằm trên sườn núi cao thuộc thôn Khe Táu nhưng chia cắt bởi Thác, khe suối; từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ phong cảnh của xã Phong Dụ Thượng.

Khí hậu tương đối khắc nghiệt, canh tác ở khu vực này khó khăn, để thích ứng với tự nhiên, hàng trăm năm nay, bà con dân tộc Mông ở đây vẫn luôn cần cù lao động, dãi dầm mưa nắng cùng với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và những nông cụ thô sơ biến mảnh đất vùng cao trở thành những “tòa tháp” bậc thang màu mỡ và hùng vĩ như ngày nay. Mỗi triền ruộng với độ dài hàng chục tới vài chục bậc thang nơi đây đều gắn với lịch sử cư trú qua nhiều thế hệ của các cư dân nông nghiệp đồng bào Mông.

Theo người dân địa phương, mùa nước đổ ở Phong Dụ Thượng thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7, tiếp đó đến là mùa lúa chín, từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Đó là thời điểm Phong Dụ Thượng khoác lên mình chiếc áo mới vô cùng bắt mắt với những “biển lúa” vàng ruộm đến tận chân trời.

Mỗi mùa Phong Dụ Thượng lại mang một vẻ đẹp riêng, nhưng mùa nước đổ và mùa lúa chín là hai thời điểm đẹp nhất nên cũng là lúc địa phương đón đông du khách nhất trong năm.

Khi những cơn mưa rừng ầm ào đổ xuống, người dân nơi đây sẽ tranh thủ đưa nước vào ruộng để canh tác. Nước len lỏi mọi lối, bao phủ trên khắp thung lũng, đổ từ ruộng cao xuống ruộng thấp hơn. Những thửa ruộng bậc thang đón nước về, phản chiếu bầu trời và những tia nắng rực rỡ, tạo ra một khung cảnh vô cùng đẹp đẽ và long lanh.

Ngắm nhìn khung cảnh ruộng bậc thang vào sáng sớm với những đường cong mềm mại, thấp thoáng trong đó là những làn mây trắng, ánh nắng chói chang buổi bình minh, những mái nhà nhỏ nhắn, xinh xắn và thả hồn với hương vị của núi non cây cỏ sẽ cho du khách cảm giác vô cùng khoáng đạt.

Phong Dụ Thượng giống như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ với những thửa ruộng bậc thang lấp lánh nước, với các đồi mâm xôi độc đáo, xen lẫn vào đó là đồi hoa mua sặc sỡ, nằm cheo leo trên lưng chừng núi, trên cả đường đi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng trăm mét.

Những cánh rừng nguyên sinh, những nương quế ngút ngàn, nương chè cổ thụ, những ngôi nhà và những khe suối hiện lên trước mắt du khách với khung cảnh hoang sơ, yên bình. Ruộng bậc thang Phong Dụ Thượng đang từng bước khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

“Nàng công chúa” đang được đánh thức

Phong Dụ Thượng được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh nơi thượng nguồn ngòi Hút cùng suối khoáng nóng, gắn liền với đó là những điểm tham quan độc đáo cùng sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc: Dao, Tày, Mông… Sự kết hợp của những yếu tố đó đã trở thành lợi thế tạo nên không gian du lịch đặc sắc của Phong Dụ Thượng.

Người Mông, người Dao, người Tày sinh sống trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng có kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo, đây chính là tiềm năng rất lớn để huyện phát triển sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp du lịch cộng đồng.

Huyện đã chỉ đạo các ban ngành, UBND xã Phong Dụ Thượng tích cực phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc như: Lễ hội Xuân của dân tộc Mông, Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ hội cơm mới…; truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ gắn với xây dựng đội văn nghệ tại các thôn, bản.

Đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ nguyên bản sắc, từ trang phục đến nét văn hóa, tập tục và cả sự chân chất, hồn nhiên, hiếu khách. Nụ cười hiền hòa tan trong nắng, gió, trong thiên nhiên, giữa núi rừng khiến cho con người ta thêm yêu đời, yêu cuộc sống và tan biến bao muộn phiền.

Bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, một số làng văn hóa du lịch mang đậm bản sắc đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, lưu trú như: Làng văn hóa du lịch thôn Bản Lùng, Làng Than, Khe Táu; có 8 mô hình homestay và 2 tổ hợp tác du lịch cộng đồng đang hoạt động, không chỉ đem lại nguồn thu cho đồng bào mà còn góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên phát triển du lịch.

Đặc biệt, trên những thửa ruộng bậc thang, người dân Phong Dụ Thượng không chỉ cấy lúa mà còn kết hợp nuôi cá tầm, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, thu hút du khách. Mô hình xen canh cá – lúa, vừa góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, vừa tạo nên sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trải nghiệm.

Đến nay trên địa bàn Phong Dụ Thượng đã có đường ô tô đến trung tâm các xã, thôn bản đảm bảo thông suốt qua các mùa. Hệ thống giao thông đến xã, thôn bản cơ bản đã thông tuyến, đi lại thuận tiện; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư; địa phương cũng đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu về du lịch; mở các tour, tuyến du lịch tham quan giữa các vùng miền, nối những điểm đẹp nhất để có thể ngắm ruộng bậc thang như Bản Lùng, Làng Than, Khe Táu, Khe Mạng.

Phong Dụ Thượng cũng có nhiều sản phẩm ẩm thực cực kì độc đáo, với những món đặc sản của núi rừng được chế biến cầu kì, khéo léo từ gà đồi, lợn đen bản địa, măng vầu, lúa nếp nương, ngô, sắn, khoai sọ, thảo quả, sa nhân…

Ông Lương Văn Thu – Chủ tịch UBND xã cho biết: Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, xã đã tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng 4 nhóm sản phẩm chính gồm: du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch xanh.

Với du lịch cộng đồng, xã ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ trang, thiết bị cho nhà văn hóa tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, xây dựng đội văn nghệ truyền thống, xây dựng không gian trưng bày các sản phẩm tiêu biểu.

Xã tăng cường mời gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hệ thống dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó chú trọng các dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi và mua sắm, từng bước xây dựng, nâng cấp hệ thống dịch vụ du lịch nhằm đưa “kỳ quan” ruộng bậc thang của xã Phong Dụ Thượng thành khu du lịch cấp tỉnh.

Cùng với việc triển khai Dự án xây dựng hạ tầng tổ hợp du lịch tắm suối khoáng nóng, xã đang phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục phục dựng, duy trì tổ chức thường xuyên các lễ hội, trò chơi dân gian; tổ chức không gian chợ nông thôn và hội thi văn nghệ truyền thống các dân tộc; trình diễn các nghi lễ truyền thống độc đáo như Lễ mừng cơm mới, Lễ Cấp sắc, trải nghiệm các trò chơi dân gian; tham quan các làng nghề truyền thống như chạm bạc, thêu thổ cẩm… để níu chân du khách.

Như một nàng công chúa ngủ trong rừng, tiềm năng du lịch ở Phong Dụ Thượng đang được đánh thức.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 600310
  • Truy cập hôm nay: 302
  • Đang trực tuyến: 5