Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thành phố Yên Bái

Tối 24/9, tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thành phố Yên Bái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng, Cổng TTĐT tỉnh trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ công bố.

Thưa đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái.

Thưa các đồng chí ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo tỉnh Yên Bái,

Thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa đồng chí, đồng bào.

Hôm nay, tôi rất vui mừng dự Lễ công bố quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và công nhận đô thị loại 2, trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho thành phố Yên Bái.

Đây là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Yên Bái báo công lên Bác Hồ sau 65 năm thực hiện lời căn dặn “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi” của Người khi về thăm vào ngày 25/9/1958.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin gửi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cùng toàn thể các đồng chí, quý vị đại biểu những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng bào, đồng chí!

Yên Bái nằm ở trung tâm khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủyngày càng hoàn thiện. Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng; tài nguyên nước dồi dào với hệ thống sông lớn chảy qua; tài nguyên rừng phong phú; nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ, có hồ Thác Bà -một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam; nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên…

Nhân dân tỉnh Yên Bái có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường; thân thiện, hiền hòa, cần cù, yêu lao động, khát khao vươn lên…

65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, đạt nhiều thành tựu to lớn, đưa Yên Bái phát triển mọi mặt về kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước với bộn bề khó khăn, Yên Bái vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ. Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao đáng kể.

Trong tiến trình đó, thành phố Yên Bái đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ một đô thị miền núi nhỏ bé, lạc hậu, trở thành đô thị hai bên sông, đa chức năng, có kết cấu hạ tầng đồng bộ; không gian kiến trúc cảnh quan giàu bản sắc; môi trường xanh, sạch, đẹp; người dân đoàn kết, thân thiện, nhân ái và hạnh phúc. Việc thành phố Yên Bái đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được công nhận là đô thị loại II là sự khẳng định những thành tựu phát triển với vai trò, vị thế là trung tâm, động lực tăng trưởng của tỉnh Yên Bái và hướng tới là một trong các đô thị động lực của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua.

Xin chúc mừng thành phố Yên Bái được công nhận đô thị loại 2 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp trí tuệ, tâm huyết và cả sự hy sinh của lớp lớp các thế hệ cán bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái nói chung, Thành phố Yên Bái nói riêng qua các thời kỳ.

Thưa đồng bào, đồng chí!

Với vị trí quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, các giá trị văn hóa đặc sắc; con người Yên Bái đoàn kết, sáng tạo, có lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển… Yên Bái có thể tạo ra cơ hội nổi trội trở thành động lực phát triển nhanh, bền vững nếu được quy hoạch đúng hướng, với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái được lập và phê duyệt với triết lý và khát vọng về một Yên Bái “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc” là hình mẫu phát triển của vùng miền núi Trung du phía Bắc và cả nước.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái xác định tư duy tầm nhìn, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển sẽ là một bản “tổng phổ” của các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh vùng miền núi Trung du phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho Yên Bái như khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bản quy hoạch dù được nghiên cứu công phu và khả thi đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu việc tổ chức thực thi và giám sát thực thi không được tổ chức hiệu quả.

Nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện bản quy hoạch này.

Sau đây, tôi xin trao đổi một số suy nghĩ khi Yên Bái triển khai các nhiệm vụ, cụ thể của Quy hoạch nhằm xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đơn cử, với tài nguyên rừng phong phú, Yên Bái có lợi thế rất lớn để phát triển ngành lâm nghiệp sinh thái theo hướng sử dụng đa mục đích như kinh tế các bon, sản xuất dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…; kết hợp với nông nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá…

Tỉnh cần quan tâm quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống logistic hiện đại như là “một chìa khóa” để hạ tầng giao thông, nguồn lực đất đai thực sự là động lực phát triển các khu công nghiệp xanh, công nghệ cao, thực hiện chủ trương chuyển các khu công nghiệp sử dụng đất lúa ở các tỉnh đồng bằng lên vùng trung du, miền núi; đồng thời phát huy lợi thế là điểm trung chuyển hàng hoá vào vùng Tây Bắc, cũng như trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, khẩn trương triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ (TOD) tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, tạo nguồn lực từ quy hoạch.

Và xa hơn cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường liên kết vùng, liên vùng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Hai là, công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.

Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có tính chất điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội. Các nguồn lực được tạo ra từ quy hoạch như giá trị đất đai, tài nguyên thiên nhiên,…cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội và chia sẻ hài hòa giữa các địa phương và nhà nước, người dân, doanh nghiệp mang lại lợi để mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.

Ba là, nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất cho Yên Bái phát triển là con người và động lực phát triển mạnh mẽ nhất đó là nhân tài. Nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh.

Bốn là, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, Yên Bái cần chú trọng bảo vệ và phát triển rừng; rà soát quy hoạch lại các điểm dân cư, các công trình hạ tầng nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Năm là, tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển Thành phố Yên Bái nhanh, bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh, sớm đạt tiêu chí đô thị loại 1 và là một trong các đô thị động lực của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Tôi có niềm tin rằng với những lợi thế riêng có, cùng tinh thần vượt khó, khát khao vươn lên của Nhân dân và đội ngũ lãnh đạo năng động, đoàn kết, nhất trí, có quyết tâm và tầm nhìn, đang không ngừng nỗ lực để Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025, nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Với tinh thần đó, một lần nữa tôi xin chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng. Chúc quý vị đại biểu, đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Cổng TTĐT tỉnh


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682001
  • Truy cập hôm nay: 297
  • Đang trực tuyến: 6