Nông nghiệp – điểm sáng kinh tế Yên Bái

6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Yên Bái ước đạt 5,10%, đứng thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo kiểm tra mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên.

6 tháng đầu năm 2024, nền nông nghiệp cả nước cũng như Yên Bái phát triển trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động chính trị và suy thoái kinh tế thế giới; thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Trước thực trạng trên, bám sát Chương trình hành động số 188 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đề ra kịch bản tăng trưởng cho từng quý cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với từng lĩnh vực. Trọng tâm là cơ cấu lại ngành ông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của từng địa phương theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị bền vững.

Đặc biệt, ngành đã phối hợp tốt với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển sản xuất, đặc biệt là các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Đông, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên chia sẻ: “Gia đình đã gắn bó với nghề nuôi tằm hàng chục năm nay song chỉ ở quy mô nhỏ nhưng nhờ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh đã kích thích gia đình làm ăn lớn. Gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm và được hỗ trợ tiền để mua 50 né nuôi tằm. Hiện nay, gia đình tôi có 2 nhà tằm với diện tích trên 200 m2, trừ chi phí thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt cùng với sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân đã giúp ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng ở mức khá cao.

6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 5,10%, đứng thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 24,15% trong cơ cấu GRDP của tỉnh Yên Bái.

Mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp của người dân thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch như: tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 184.701 tấn, đạt 57,9% kế hoạch, tăng 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại uớc đạt 50.353 tấn, đạt 67,1% kế hoạch, tăng 3,8% so với cùng kỳ; sản lượng thuỷ sản đạt 8.192 tấn, đạt 56,1% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới theo hướng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

6 tháng đầu năm, tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện thêm 10 dự án, nâng tổng số các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh lên 68. Các chuỗi liên kết sản xuất được duy trì và hoạt động có hiệu quả, điển hình như các chuỗi trồng dâu, nuôi tằm; chuỗi sản phẩm măng tre Bát độ; chuỗi sản xuất chè, chuỗi sản xuất quế hữu cơ.

Bên cạnh đó, ngành đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đến nay toàn tỉnh đã có 247 sản phẩm OCOP; cấp được 87 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; trên 27.424 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận quế hữu cơ phục vụ xuất khẩu. 100% các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên các trang thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Alibaba, Sendo, Voso, Buudien.vn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện đồng bộ. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Yên Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 4 được công nhận/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả trên nông nghiệp đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế và tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, ngành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm sát với tình hình thực tế của các địa phương.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục duy trì, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh hàng hoá đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, gắn mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản xuất. Ngành tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh cũng là nhiệm vụ quan trọng ngành tập trung thực hiện.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601020
  • Truy cập hôm nay: 39
  • Đang trực tuyến: 2