Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định mức tiền phải trả lãi theo Luật Quản lý thuế. Thay vào đó, người nộp thuế bị chậm hoàn thuế sẽ được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Một điểm đáng chú ý của dự thảo là đề xuất bãi bỏ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế về quy định mức tiền phải trả lãi cho người nộp thuế khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm với mức tính lãi là 0,03%/ngày.
Bởi, theo Bộ Tài chính, hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả. Do đó, cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.
Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Bộ Tài chính cho rằng quy định về mức lãi phải trả tại 2 văn bản pháp luật trên không thống nhất. Ngoài ra, Khoản 9 Điều 18 Luật Quản lý thuế cũng đã quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế: “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước.”
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế về quy định mức tiền phải trả lãi. Các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế sẽ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Cụ thể, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả trong trường hợp không có thỏa thuận sẽ theo Bộ Luật dân sự, tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Hiện, theo Bộ Luật dân sự 2015, lãi suất này được xác định bằng 50% mức giới hạn quy định (20%), tức là không quá 10%/năm.
Như vậy, khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm, người nộp thuế có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10%/năm.
Thực tế, câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng và rơi vào tình trạng “sống dở chết dở” do khó khăn tài chính vẫn chưa có hồi kết. Hồi tháng 6, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su liên tục phản ánh việc bị nợ hoàn thuế cả nghìn tỉ đồng tiền khiến “sức khỏe” doanh nghiệp kiệt quệ.