Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái tăng trưởng ấn tượng về tốc độ huy động vốn và dư nợ

Năm 2022, vượt lên khó khăn, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt kết quả ấn tượng cả về tốc độ tăng trưởng huy động vốn lẫn dư nợ.

Người dân huyện Văn Chấn nhận vốn vay giải ngân tại điểm giao dịch xã.

Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đã vận dụng linh hoạt các giải pháp huy động nguồn lực, giải ngân kịp thời các nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, hệ thống NHCSXH tỉnh vẫn đạt kết quả ấn tượng cả về tốc độ tăng trưởng huy động vốn lẫn dư nợ.

Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 4.179 tỷ đồng, tăng 579,6 tỷ đồng so năm 2021. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương 3.639,3 tỷ đồng, chiếm 87% tổng nguồn vốn, tăng 534,3 tỷ đồng so với năm 2021; vốn huy động tại địa phương 442,2 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng nguồn vốn, tăng 7,3 tỷ đồng so với năm 2021; vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 97,6 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng nguồn vốn, tăng 38 tỷ đồng so với năm 2021.

Để giải ngân kịp thời vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tốt phiên giao dịch tại xã tạo thuận lợi cho người dân vay vốn.

Trong năm, thực hiện giải ngân cho vay 26.660 lượt hộ khách hàng với doanh số cho vay đạt 1.331 tỷ đồng (cao hơn 311 tỷ đồng so với năm 2021). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.172,5 tỷ đồng, tăng 577,8 tỷ đồng so với năm 2021 với 82.286 hộ còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ tăng trưởng tập trung vào các chương trình: giải quyết việc làm tăng 237,3 tỷ đồng, hộ nghèo tăng 157,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo tăng 107,9 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tăng 64 tỷ đồng…

Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,11% tổng dư nợ, giảm 0,02% so với năm 2021.

Cùng đó, để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo rà soát đối tượng thụ hưởng và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Trên cơ sở kết quả rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, chi nhánh đã thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng các chương trình tín dụng ưu đãi được Trung ương giao theo Nghị quyết số 11 là trên 276 tỷ đồng.

Ngay sau khi được Tổng Giám đốc giao chỉ tiêu kế hoạch, Chi nhánh đã kịp thời tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH phân giao chỉ tiêu cho các đơn vị để giải ngân kịp đến người dân. Đến 31/12/2022, hệ thống NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 3.623 lượt khách hàng với tổng số tiền 186,4 tỷ đồng, hoàn thành 67,4% kế hoạch được giao.

Trong đó, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.276 lao động, số tiền 150 tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập là 1.278 hộ (1.796 học sinh, sinh viên), số tiền 17,9 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch được giao; cho vay nhà ở xã hội được 45 hộ, số tiền 17,6 tỷ đồng, bằng 99% ; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập cho 11 cơ sở số tiền 0,9 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch được giao.

Những kết quả đạt được trong năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội và NHCSXH đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Năm 2023, NHCSXH tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ trên 13% so với năm 2022, tăng trưởng tối thiểu 550 tỷ đồng (tính cả gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022-2023 theo Nghị quyết 11/NQ-CP); nợ quá hạn 0,15% so với tổng dư nợ.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: