Lương – giá hài hòa, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống

Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp với mục tiêu rất rõ ràng: tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu, chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.

Sống được bằng lương là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

NỖ LỰC CẢI THIỆN VÀ ĐẢM BẢO THU NHẬP

Ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cũng áp dụng từ ngày 1/7/2023.

Sống được bằng lương là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau lần hoãn tăng lương theo lộ trình năm 2020 do để dành ngân sách cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các hoạt động cấp bách hơn, kể từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng tương đương 20,8%, tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng.

Đợt điều chỉnh tăng lương này đã thể hiện sự quyết tâm và sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm góp phần nâng cao mức sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nói là nỗ lực rất lớn bởi 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong khi 20,8% là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Như vậy, từ ngày 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8%. Mức tăng lần này là đợt điều chỉnh tăng mới nhất kể từ ngày 1/1/2022 theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ. Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay đã có 23 lần điều chỉnh lương hưu.

Với việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng lần này sẽ giúp cho gần 3,4 triệu người trên toàn quốc được hưởng lợi từ chính sách. Lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh đã thiết thực động viên tinh thần, góp phần chia sẻ với những khó khăn của các đối tượng được hưởng lợi từ chính sách.

Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đợt này ở Yên Bái đã được nhận đầy đủ quyền lợi theo quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 của Chính phủ.

Ông Phạm Công Cường – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong kỳ chi trả của tháng 8/2023, đảm bảo cho các đối tượng được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP trong thời gian sớm nhất, ngành BHXH Việt Nam tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới từ ngày 14/8/2023 là ngày Nghị định số 42/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đồng thời thực hiện truy trả đầy đủ phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh của tháng 7/2023 cho người hưởng. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 38.435 người hưởng được điều chỉnh trong đợt này với tổng số tiền chi trả tăng thêm là trên 21 tỷ đồng”.

BHXH tỉnh đã xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chi trả, yêu cầu BHXH các địa phương và cơ quan Bưu điện phối hợp tuyên truyền, phổ biến về quyền lợi theo mức hưởng mới; nội dung và thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 42/NĐ-CP; thông báo lịch chi trả cụ thể tới người hưởng.

Đồng thời, BHXH tỉnh khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đảm bảo thuận lợi, an toàn, đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm các tình huống phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Những năm qua, kinh tế ngày càng phát triển, mức sống xã hội ngày càng nâng cao. Điều này đặt ra đòi hỏi Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền lương phù hợp, đẩy mạnh và thực hiện cải cách chính sách tiền lương sớm nhất để đảm bảo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp với mục tiêu rất rõ ràng: tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu, chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.

Cùng với tăng lương, một vấn đề quan trọng cũng được hết sức quan tâm là các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu để không xảy ra tình trạng lương tăng không theo kịp giá tăng. Giải quyết hiệu quả vấn đề này thì tăng lương mới thật sự có ý nghĩa, niềm vui của người hưởng lương mới thật sự trọn vẹn.

Chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng theo mức hưởng mới vào ngày 15/9
Theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (NCCVCM) thì từ ngày 5/9/2023, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCCVCM tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCCVCM làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với NCCVCM và thân nhân NCCVCM. Nghị định 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2023. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCCVCM được thực hiện kể từ ngày 01/7/2023.

Tại kỳ chi trả tháng 9/2023, Bưu điện tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi đối với NCCVCM theo mức hưởng mới vào ngày 15/9/2023. Trong kỳ chi trả tháng 9/2023, người hưởng sẽ được nhận tiền trợ cấp, phụ cấp mới của tháng 9, truy lĩnh trợ cấp, phụ cấp của tháng 7 và tháng 8/2023.

MỪNG, LO LƯƠNG MỚI

Từng là công nhân của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, bà Nguyễn Thị Chiến, tổ dân phố 1, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn về nghỉ chế độ mất sức từ năm 1993, lương của bà được hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, bà Chiến phải chăn nuôi thêm gà, trồng thêm rau.

Khó là mỗi khi có việc cần đến tiền, bà phải chạy tới chạy lui vay mượn vì mức lương 2,7 triệu đồng cũng chỉ gọi là đảm bảo cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Kể từ ngày 1/7/2023, theo hệ số lương mới, lương hưu mất sức của bà được tăng lên hơn 3 triệu đồng/tháng, mặc dù không nhiều song cũng là niềm vui với bà.

Bà Chiến cho biết: “So với trước đây, từ lúc tôi nghỉ mất sức được chưa đầy 1 triệu đồng, đến nay lĩnh hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, cuộc sống thoải mái hơn, bởi rau xanh thì tôi chủ động được, chỉ có gạo, thức ăn thì phải mua hàng ngày, con cái cũng đã có gia đình riêng không phải lo. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn Nhà nước cần có chính sách điều tiết, bình ổn giá cả thị trường để việc tăng lương không gây xáo trộn đến giá cả hàng hóa và ảnh hưởng đến đời sống người dân”.

Người tiêu dùng mong muốn giá cả các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát và ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tiệm, thôn Rẹ 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã là Trưởng thôn nhiều năm rồi chuyển sang làm Bí thư Chi bộ từ năm 2018 đến nay. Trước đây, phụ cấp là 1,5 triệu đồng/tháng, cộng với là đại biểu HĐND xã, mỗi tháng ông chưa được 2 triệu đồng.

Với mức tiền như vậy, ông Tiệm chỉ đủ chi trả tiền xăng xe đi lại, tiền điện thoại để phục vụ công tác, hội họp phục vụ nhiệm vụ của thôn, xã. Với mức tăng lương mới, ông được trên 2 triệu đồng/tháng, tuy không nhiều song với vùng nông thôn như vậy cũng có thêm đồng xăng xe cũng như chi phí sinh hoạt để ông yên tâm công tác và cống hiến.

Ông Tiệm cho biết: “Ở nông thôn nên gia đình vẫn chăn nuôi, trồng cấy được, quan trọng là làm công tác xã hội, có thêm đồng lương phụ cấp đủ để tôi trang trải các chi phí, không phải nhờ đến gia đình là vui lắm rồi. So với ngày trước, từ lúc tôi làm Trưởng thôn không có phụ cấp, đến khi được 1,5 triệu đồng/tháng rồi đến bây giờ phụ cấp các khoản được hơn 2 triệu đồng/tháng là tôi thấy vui và phấn khởi hơn rất nhiều rồi. Nhưng nếu tăng lương mà giá cả tăng theo vù vù thì băn khoăn, lo lắng không nhỏ”.

Chị Trần Thị Tuyết Nhung, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái là lao động tự do. Điều chỉnh tăng lương lần này cũng có tác động đến cuộc sống gia đình chị. Trước đây, một tháng gia đình chị chi tiêu hết 6 triệu đồng cho tất cả các chi phí sinh hoạt, ăn uống thì nay con số tăng lên phải 7 triệu đồng mới đủ.

Chị Nhung cho biết: “Giá cả tăng nhẹ, tiền công lao động thì không tăng, bởi vậy tôi mong muốn các cấp các ngành cần có chính sách bình ổn giá cả để những người lao động tự do như chúng tôi không bị tác động và ảnh hưởng nhiều”.

Vui mừng vì được tăng lương từ tháng 7/2023, anh Hoàng Văn Nối, chuyên viên Sở Nội vụ tỉnh cũng không khỏi lo lắng khi mà cuộc sống hàng ngày có quá nhiều khoản phải chi tiêu. Là chuyên viên Sở Nội vụ, hiện anh Nối đang hưởng lương bậc 4, hệ đại học. Lần tăng lương này, anh được tăng thêm 800 ngàn đồng mỗi tháng. So với lương cũ thì tổng thu nhập hàng tháng của anh Nối tăng lên được hơn 7 triệu đồng.

Anh Nối cho biết: “Với thu nhập như vậy, cuộc sống gia đình 4 người phải thực sự tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn thì mới có thể bảo đảm được cuộc sống hằng ngày. Nếu giá cả tăng theo thì coi như không mong có thêm được đồng tích lũy. Bởi vậy, tôi mong muốn Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành cần có biện pháp bình ổn giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Có như vậy, việc tăng lương mới trở thành niềm vui trọn vẹn”.

Câu chuyện tăng lương, tăng giá là câu chuyện không mới, do vậy cùng với các giải pháp của Chính phủ về tiếp tục thực hiện kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt trách nhiệm của mình để tránh tình trạng giá cả leo thang theo lương nhằm bảo đảm thực chất “niềm vui lương mới”, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

GIÁ HÀNG HÓA THIẾT YẾU CƠ BẢN ỔN ĐỊNH SAU TĂNG LƯƠNG

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng được áp dụng cho 9 nhóm đối tượng. Khác với những kỳ tăng lương trước là ngay sau khi tăng lương thì giá cả hàng hóa đồng loạt tăng theo thì ở kỳ tăng lương lần này, giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản không tăng, chỉ một số ít tăng nhẹ, một số mặt hàng công nghệ phẩm còn giảm như: mì tôm, dầu ăn, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Yên Bái giá một số mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân một số nhóm hàng tăng nhẹ, một số ổn định so với trước ngày 1/7/2023.

Cụ thể gạo Tiên ưu 13.000 – 14.000 đồng/kg, Thái Bình 15.000 – 16.000 đồng/kg, Chiêm hương 16.000 – 18.000 đồng/kg; giá thực phẩm tươi sống tương đối ổn định: thịt lợn hơi dao động khoảng 56.000 – 63.000 đồng/kg, lợn thương phẩm từ 100.000 – 120.000 đồng/kg; thịt bò loại 1 260.000 đồng/kg; gà ta sống dao động 110.000 – 130.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg); các loại rau, củ , quả ổn định: bắp cải 11.000 – 14.000 đồng/kg, cải ngọt 13.000 – 14.000 đồng/kg, cà chua 18.000 – 20.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg)…

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra xuất xứ, niêm yết giá tại các cửa hàng tiêu dùng.

Chị Hoàng Yến – giáo viên của một trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố rất vui khi từ tháng 7, lương của chị đã tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Theo chị Yến, sau nhiều năm không tăng mức lương cơ sở, kỳ tăng lương này mặc dù không quá nhiều nhưng cũng giúp gia đình chị trang trải một phần chi phí sinh hoạt hàng tháng.

“Điều tôi mừng nhất là so với những kỳ tăng lương trước, lần này giá cả các mặt hàng ổn định hơn. Các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, thịt, cá vẫn giữ mức giá ổn định, giá gạo tăng nhẹ nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tôi hy vọng giá cả thị trường tiếp tục duy trì ổn định, sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, chị Yến chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương trong tháng 8, hoạt động kinh doanh thương mại giữ ổn định. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng tăng khá. Doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8 năm 2023 ước đạt 2.153,4 tỷ đồng, tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.792,4 tỷ đồng, chiếm 83,24% trong tổng số doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Trong tháng 8/2023, các cơ sở kinh doanh thương mại hoạt động ổn định, đảm bảo đủ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Với việc điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 01/7/2023 cho 9 nhóm đối tượng có tác động tích cực đối với người tiêu dùng làm tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, tăng sức mua, tạo dòng chảy tiền tệ cho sản xuất, kinh doanh được nâng cao.

Cùng với đó, các phiên điều chỉnh giá nguyên liệu xăng, dầu và nhiên liệu khác trong tháng tăng nên đã tác động góp phần làm tăng doanh thu nhóm ngành tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Giá cả các mặt hàng nói chung, không tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, giá lương thực, thực phẩm không có biến động lớn; lượng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thị trường hàng hoá không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết…. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,95% so với tháng trước.

Để ổn định mặt bằng giá cả hàng hóa, Sở Công Thương tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra; đồng thời triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá, thúc đẩy bán lẻ, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá khi lương tăng. Đối với Cục Quản lý thị trường, ngay từ đầu năm, nhất là sau khi lương cơ sở chính thức tăng, đơn vị chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, tiểu thương không tăng giá bán bất hợp lý.

Ông Trần Hùng Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: “Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường”.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên, nhiên liệu thiết yếu đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Các kênh phân phối hàng hóa thông suốt và nguồn cung đa dạng, dồi dào sẽ góp phần đáng kể cho việc bình ổn giá thị trường, hạn chế tối đa việc lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa đột biến.

Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương:

Nhằm giảm thiểu các tác động của việc tăng giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa cũng như tình hình cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo, thực phẩm…; tiếp nhận kịp thời các văn bản thông báo hoạt động khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo đúng quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý giá, giữ thị trường hàng hóa ở mức bình ổn. Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá cả hàng hóa tăng cao.

CẦN TIẾP TỤC BÌNH ỔN GIÁ CẢ KHI TĂNG LƯƠNG MỚI

Bà Đinh Thị Hồng Loan – Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên:


Hiện xã có 19 cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, việc điều chỉnh lương mới lần này vừa là niềm vui, là động lực lớn để cán bộ, công chức xã yên tâm phấn đấu công tác. Thực tế từ nhiều lần tăng lương trước là giá cả hàng hóa cũng tăng theo, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt.

Do vậy, để việc tăng lương là niềm vui, là động lực cho cán bộ, công chức yên tâm phấn đấu, cống hiến, tôi mong muốn Nhà nước, Chính phủ tiếp tục có những chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, một số mặt hàng thiết yếu để không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau khi tăng lương.

Chị Sùng Thị Thiêm – Bí thư Đoàn xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải:


Lần tăng lương này, tôi được tăng gần 1 triệu đồng. Có thể nói, với số tiền này cũng giúp tôi trang trải một phần tiền điện, tiền chất đốt… của gia đình. Tuy nhiên, nếu tăng lương kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng tăng cao thì lương tăng không theo kịp với việc tăng giá cả sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cán bộ, công chức và những người hưởng lương từ ngân sách như chúng tôi. Bởi vậy, tôi mong muốn Nhà nước, Chính phủ có chính sách bình ổn giá cả để mỗi lần tăng lương thực sự là niềm vui của mọi người.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hằng Hiển:

Sau khi tăng lương cơ sở, cơ bản không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp hàng của Công ty, duy chỉ có đường kính là tăng gần 1.000 đồng/kg do nguyên liệu đầu vào cao. Chúng tôi luôn cam kết nguồn hàng đảm bảo chất lượng và bán đúng giá. Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm, Công ty đảm bảo cung cấp các mặt hàng công nghệ phẩm như: như bánh kẹo, rượu, bia, mì tôm, phở gói, sữa tươi, nước uống đóng chai, mì chính, nước mắm… ước giá trị gần chục tỷ đồng; bảo đảm cung ứng, phân phối cho các mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện tại, Công ty đã thỏa thuận với các nhà cung cấp sẽ cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân khi lượng mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682253
  • Truy cập hôm nay: 549
  • Đang trực tuyến: 6