Luôn đồng hành, kiến tạo giá trị mới

Trong nền kinh tế thị trường, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn là tài sản quan trọng và cũng là lực lượng quyết định sức mạnh, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các doanh nghiệp, doanh nhân cần xây dựng, phát huy vai trò dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu vượt qua khó khăn, thử thách và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan, kiểm tra sản xuất tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công thương Việt Nam: “… Hiện nay, Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi cho dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.

Thực hiện lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Dẫu là một tỉnh miền núi, lại nằm sâu trong nội địa, kinh tế – xã hội còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung, 3.175 doanh nghiệp, 715 hợp tác xã và đội ngũ doanh nhân Yên Bái luôn nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng, chủ động điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ… duy trì ổn định, phát triển, đảm bảo đời sống cho lao động và chấp hành tốt quy định của Nhà nước.

Sau dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới có sự cạnh tranh chiến lược gia tăng… đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cắt giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng hoạt động vì không có đơn hàng.

Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp, hợp tác xã, định hướng cho những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Yên Bái tạo điều kiện, cơ hội, đưa sản phẩm của tỉnh tham gia các hội chợ, các hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến, thông qua các tham tán thương mại để mở rộng thị trường. Tỉnh thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm, linh hoạt các doanh nghiệp, doanh nhân đã tìm cho mình những hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, cuối tháng 7/2023, 10 mặt hàng nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Anh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu với bao bì, tem nhãn mác theo tiêu chuẩn châu Âu đó là những minh chứng rõ nét nhất.

Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái có 31/32 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó, có 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch; sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.540 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 9,4% so với năm 2021; đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án đầu tư vào khu vực công nghiệp – xây dựng với tổng vốn đăng ký 7.574 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 4.616,7 tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch, tăng 5,5% so với năm 2021.

Trong 9 tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 12.280 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa 243,8 triệu USD, đạt gần 70% kế hoạch năm; trong 9 tháng năm 2023 thành lập mới 250 doanh nghiệp và 75 hợp tác xã; cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 28 dự án. Hiện, toàn tỉnh có 616 dự án đã và đang triển khai thực hiện.

Hằng năm, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đều hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách; qua đó, đóng góp trên 60% tổng cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng; Yên Bái đã và đang trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đề cao tính thân thiện với môi trường từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) đã tổ chức khởi công xây dựng dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái với tổng vốn đầu tư gần 475 tỷ đồng, tương đương 20,4 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên được triển khai trong số 14 dự án của Công ty cổ phần Erex tại Việt Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Tỉnh Yên Bái tập trung thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu mở rộng quy mô, coi trọng chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư…

Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, có tính định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực những nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Doanh nhân luôn là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Doanh nghiệp, doanh nhân là mắt xích không thể thiếu trong liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng và nhà nông).

Doanh nghiệp, doanh nhân phải sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giầu, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân còn góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Doanh nghiệp, doanh nhân giàu có, thành đạt phải trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục tạo dựng thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 665382
  • Truy cập hôm nay: 649
  • Đang trực tuyến: 12