Hồ Thác Bà – viên ngọc quý của vùng Tây Bắc Việt Nam vừa đượcChính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia đến năm 2040 theo Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10/5/2024 để trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đây được coi là dấu mốc quan trọng và là cơ hội vàng thúc đẩy phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là động lực phát triển du lịch của cả nước.
Quy mô và giá trị đặc biệt của kỳ quan hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà được hình thành vào năm 1971 sau khi hoàn thành công trình thủy điện Thác Bà. Nằm trong lưu vực sông Chảy, hồ trải dài trên hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái.
Là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Thác Bà có diện tích 23.400 ha, bao phủ hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ. Mặt hồ tĩnh lặng, xanh trong, len giữa những dãy núi lớn và dài uốn lượn, những đảo hồ xanh ngắt rừng trồng tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà ít nơi nào có được.
Ngoài ra, các dãy núi đá vôi tại hồ Thác Bà tạo nên một hệ thống hang động huyền bí trên hồ như: động Xuân Long với những tượng đá muôn hình kỳ thú, động Thủy Tiên lung linh nhũ đá, gắn liền với truyền thuyết chín nàng tiên xinh đẹp xuống vui chơi chốn trần gian cùng truyền thuyết lịch sử về đền Thác Bà, Thác Ông…
Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc, hồ Thác Bà còn gắn liền với sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tại mảnh đất này, năm 1285, tướng nhà Trần là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã chỉ huy đánh trận Thu Vật, phá tan quân Nguyên Mông. Ở vùng thượng hồ còn có một số nơi là cơ sở hoạt động của các cơ quan trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giữa hồ có động Mông Sơn – từng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy Yên Bái trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Với quy mô và giá trị đặc biệt, từ năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Nâng vị thế Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà lên tầm cao mới
Ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.
Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Quy hoạch xác định đây là Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu.
Đây còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà gồm 2 cửa ngõ, 2 hành lang và 4 vùng phát triển, 8 trọng điểm. Đồng thời, định hướng phát triển các không gian du lịch, dịch vụ gồm: không gian du lịch Tân Hương – Đại Đồng, không gian du lịch Linh Sơn – Cao Biền, không gian du lịch Phúc Ninh – Cảm Nhân, không gian du lịch Liễu Đô – Vĩnh Lạc.
Việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia hồ Thác Bà rất rõ ràng, cụ thể các phân khu quy hoạch sẽ là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, có cơ hội để tiếp cận cũng như nghiên cứu, đề xuất ý tưởng triển khai thực hiện các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại hồ Thác Bà.
Đây là cơ hội tốt để nâng vị thế và giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà lên tầm cao mới gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần, chủ trương phát triển kinh tế xã hội “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
Cơ hội “vàng” thúc đẩy du lịch vươn tầm
Nằm trên địa bàn xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, Hợp tác xã (HTX) Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc đi vào hoạt động từ năm 2000 và được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao về du lịch cộng đồng. Hướng đến phát triển du lịch xanh từ lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với hệ thống hang động đẹp trên hồ Thác Bà, thời gian qua, HTX đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về du lịch sinh thái, khám phá và những sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc vùng, miền.
Ông Đặng Tiến Minh – Chủ tịch HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc phấn khởi: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040. Nắm bắt cơ hội này, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện và mở rộng thêm các dịch vụ trải nghiệm nhằm phục vụ tốt hơn khi du khách đến nơi đây”.
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt thường xuyên khai thác các tour du lịch tham quan danh lam, thắng cảnh hồ Thác Bà để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng hồ.
Ông Nguyễn Việt Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt cho biết: Từ lâu, Hồ Thác Bà là địa điểm du lịch nổi tiếng trong bản đồ của nhiều công ty du lịch lữ hành và là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Tuy nhiên, với cảnh quan thiên nhiên vô cùng thơ mộng cùng sự độc đáo, đặc sắc trong văn hóa dân tộc vùng miền thì tôi nhận thấy việc phát triển du lịch hồ Thác Bà trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
“Việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế sẵn có của danh thắng sẽ là cơ hội để hình ảnh, du lịch hồ Thác Bà ngày càng phát triển hơn nữa, doanh nghiệp làm về du lịch như chúng tôi sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để quảng bá, giới thiệu và đưa du lịch địa phương đến đông đảo du khách trong và ngoài nước” – ông Hưng chia sẻ.
Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia hồ Thác Bà có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý cần thiết để tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Yên Bình nói riêng cụ thể hóa và phát triển hồ Thác Bà xứng đáng khu du lịch tầm quốc gia theo đúng định hướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ông An Hoàng Linh – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình cho hay: Trong thời gian tới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến du lịch hồ Thác Bà sẽ có đủ các điều kiện để nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án. Đây cũng là điều kiện quan trọng để huyện Yên Bình tổ chức quản lý, khai thác, phát triển các dịch vụ du lịch trên hồ Thác Bà một cách bài bản, đồng bộ và đúng quy định của pháp luật.
Huyện sẽ khẩn trương phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để triển khai ngay các bước để cụ thể hóa và công khai cũng như tổ chức lập các quy hoạch phân khu làm cơ sở để thu hút các dự án vào Khu Du lịch. Đồng thời, tăng cường mời gọi, quảng bá, thu hút đầu tư, tìm kiếm mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực phù hợp với triết lý, định hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” của tỉnh Yên Bái vào nghiên cứu, khảo sát, tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên khu vực hồ Thác Bà.
“Huyện cũng sẽ làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã phê duyệt, đặc biệt là các khu vực trong quy hoạch, tránh tình trạng người dân sử dụng, khai thác đất, các khu vực khác không đúng” – Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh khẳng định.