Hội nghị sản xuất sắn bền vững trên đất dốc các tỉnh phía Bắc

Sáng 9/8, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sản xuất sắn bền vững trên đất dốc các tỉnh phía Bắc. Đồng chí Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có đại diện một số Cục, Vụ, Viện và Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Hiệp hội, Hội, Doanh nghiệp, các Tổ chức và nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực Sắn; lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các huyện: Văn Yên, Văn Chấn và Yên Bình…

Các đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Sắn là một trong những cây trồng có diện tích, sản lượng và có hiệu quả kinh tế khá tại tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại và liên kết giữa nhà máy, doanh nghiệp với người trồng sắn chưa được chặt chẽ đã làm diện tích trồng sắn giảm dần qua các năm. Từ năm 2014 đến nay, diện tích giảm trên 50%. Theo số liệu thống kê năm 2024, diện tích trồng sắn đạt 7.788 ha.

Giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ cần thiết là cơ cấu lại cây trồng, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, trong đó cây sắn vẫn là cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế được định hướng giữ ổn định diện tích trên 8.000 ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn/năm. Có 02 doanh nghiệp chế biến với 03 nhà máy sản xuất, công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm; sản lượng tinh bột chế biến 46.881,3 tấn/năm (Năm 2023 xuất khẩu 8.700 tấn).

Hiện nay, diện tích canh tác sắn bền vững trên đất dốc để bảo vệ đất chống xói mòn đạt trên 1.000 ha/năm, qua đánh giá, lượng đất xói mòn do áp dụng canh tác trên đất dốc đã giảm từ 28,8 – 30,5%. Năng suất củ tươi các giống sắn mới đạt 47,5 tấn/ha, cao hơn 20 – 25 tấn so với năng suất giống sắn khác trồng tại địa phương.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho rằng: Để tiếp tục ổn định, duy trì diện tích và phát triển các kỹ thuật trồng sắn, tỉnh thì các ngành, địa phương trong tỉnh phải xác định vị trí, tầm quan trọng của cây sắn là cây phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân, đồng thời góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cần tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có cây sắn; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển dự án liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển cây sắn bền vững; tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu bổ sung cơ cấu giống sắn hợp lý để rải vụ thu hoạch, các giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, chống chịu tốt với sâu bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc; tăng cường liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến; hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến dây chuyền công nghệ trong bảo quản, chế biến, xỷ lý chất thải trong quá trình sản xuất; tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thế Phước nhấn mạnh: Hội nghị sản xuất sắn bền vững trên đất dốc chính là cơ hội để nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý nông nghiệp tỉnh Yên Bái giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các tỉnh. Tỉnh Yên Bái mong muốn qua Hội nghị, sẽ khuyến khích nhân dân, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ quan quản lý tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển sản xuất sắn bền vững, đồng thời thực hiện tốt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của cục Trồng trọt, năm 2023 tổng diện tích sắn toàn quốc đạt 511.433,4 ha, trong đó diện tích sắn các tỉnh phía Bắc đạt 156,4 nghìn ha (chiếm 30,6% tổng diện tích sắn cả nước); năng suất bình quân đạt 147,2 tạ/ha (bằng 72,4% năng suất sắn cả nước); sản lượng đạt 2.301,5 nghìn tấn (chiếm 22% sản lượng sắn cả nước).

Trong 19 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có tổng diện tích sắn trồng trên đất dốc đạt 130.487,4 ha (chiếm 83,4% tổng diện tích sắn toàn miền), trong đó diện tích sắn trên đất dốc vùng Trung du miền núi phía Bắc đạt 86.706 ha (chiếm 84,9% tổng diện tích trồng sắn toàn vùng), vùng Bắc Trung Bộ diện tích sắn trên đất dốc đạt 33.781,4 ha (chiếm 66,3% tổng diện tích trồng sắn toàn vùng). Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh phía Bắc có 31 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại 14 tỉnh với tổng công suất thiết kế 1.487 nghìn tấn củ tươi/năm, đáp ứng được 64,6% sản lượng sắn toàn vùng.

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Nhận thức của người dân và một số địa phương về cây sắn còn chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn coi cây sắn là cây trồng có ảnh hưởng đến chất lượng đất hay sản; trồng sắn theo hình thức quảng canh, không đầu tư, sản xuất bị động, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu còn hạn chế; thiếu đầu tư nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc dẫn đến năng suất thấp; còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để định hướng cho việc đầu tư, phát triển ngành hàng sắn…

Các đại biểu có ý kiến, để sản xuất cây sắn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các tỉnh phía Bắc, cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững, phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sinh thái; tổ chức sản xuất giống sắn sạch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sắn; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về sắn và sản phẩm sắn; phát triển các quy trình kỹ thuật chế biến sắn và sản phẩm từ sắn phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo tạo thuận lợi cho đầu ra của các vùng trồng sắn trên đất dốc…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị trong thời gian tới cần rà soát xây dựng các quy trình sản xuất sắn trên đất dốc theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện sinh thái; các viện, doanh nghiệp trong Hiệp hội tiếp tục nghiện cứu chọn tạo các bộ giống chất lượng hơn với hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn; tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, có quy trình hoàn thiện để người trồng sắn dễ áp dụng thực tế.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn diện cho người dân và cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương về vai trò của cây sắn và hiệu quả kinh tế của cây sắn mang lại, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất sắn trên đất dốc bền vững; xây dựng chính sách bài bản, căn cơ, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật cho người dân; chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn…

Theo Cổng TTĐT tỉnh


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601195
  • Truy cập hôm nay: 214
  • Đang trực tuyến: 1