Hiệu quả liên kết sản xuất từ mô hình kinh tế tập thể ở Yên Bái

Những năm gần đây, tại Yên Bái, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp đang được các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX tập trung thực hiện. Qua đó đã giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là nông dân. Điều thuận lợi là, chính quyền tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các HTX phát triển.

Đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản của tỉnh Yên Bái.
Đã từ lâu, người dân xã Đông An, huyện Văn Yên không dừng lại việc trồng và sơ chế thô cây cà gai leo. Để sản xuất theo hướng hàng hóa, các hộ dân đã thành lập HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn. Theo đó, HTX đã chế biến sâu cây cà gai leo thành các sản phẩm đa dạng như cao, trà và bột, mang lại giá trị kinh tế cao. Sau nhiều nỗ lực, đến nay HTX đã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại 4 xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, với tổng diện tích trên 10 ha, mỗi năm cho sản lượng ổn định khoảng 80 tấn.
 
Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc HTX sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cho biết, hiện nay, sản phẩm cao cà gai leo đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái. Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường khoảng 6.000 lọ cao cà gai leo, cùng nhiều sản phẩm cao bột và trà, đem lại doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng. Điều đó đã giúp các xã viên có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất để tiếp tục mở rộng diện tích và thâm canh, tăng năng suất.
 
Tương tự, tại huyện Trấn Yên, HTX 6/12 Đào Thịnh, đã liên kết, hợp tác với HTX Dịch vụ tổng hợp Công Tâm và Công ty An Thịnh Cường Phát, huyện Văn Yên cùng nhau liên kết phát triển chuỗi sản phẩm quế trong chế biến tinh dầu quế. Từ mối liên kết này, HTX đã đầu tư máy móc, dây chuyền chưng cất tinh dầu hiện đại, nâng tỷ lệ và chất lượng sản phẩm thu được.
 
Cùng với đó, HTX này cũng đầu tư dây chuyền băm, nghiền ép cành, lá quế tận dụng cành, lá đã chiết xuất tinh dầu ép thành chất đốt, phục vụ các nhà máy sản xuất nhiệt tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh, sản xuất phân bón hữu cơ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản… nâng giá trị cây quế lên 40% so với trước.
 
Nhờ liên kết, HTX ngày càng làm ăn hiệu quả. Doanh thu của HTX năm 2022 ước đạt trên 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 40 lao động, với thu nhập bình quân 5,0 – 5,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể thu nhập từ các hộ thành viên nhờ giá trị tăng thêm từ thu nhập đồi rừng, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
 
Liên kết trồng rừng kinh tế đem lại thu nhập khá cho người dân huyện Văn Yên
Hiện nay, Yên Bái có khoảng 590 HTX, trong đó trên 75% số HTX hoạt động hiệu quả. Hầu hết các HTX hoạt động đúng Luật HTX 2012, với bộ máy quản lý, điều hành tinh gọn, linh hoạt hơn. Trong bối sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường chưa hoàn toàn hồi phục… thì liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, là giải pháp khả thi đem lại sự phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho các HTX và các thành viên.
 
Để hỗ trợ các HTX xúc tiến, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ngành chức năng tỉnh Yên Bái cũng đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu nông sản trên nền tảng công nghệ số, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại… tạo cơ hội lớn để các HTX tìm kiếm, phát triển thị trường và nâng cao giá trị nông sản.
 
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, tập trung kinh phí xây dựng website thương mại điện tử bán hàng, với hai ngôn ngữ và thiết bị in tem QR code tích hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ kinh phí tham gia sàn giao dịch TMĐT toàn cầu để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp.
 
Đồng thời, tổ chức, tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trọng điểm thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hội chợ định hướng xuất khẩu và hội chợ chuyên ngành được tổ chức trong nước; phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức các đoàn giao thương của tỉnh tham dự các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh thành trong nước nhằm tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh…
 
Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi đưa hàng nông sản của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử, đã giúp cho tốc độ giao thương nhanh hơn, phạm vi bán hàng mở rộng toàn cầu. Đặc biệt, sàn thương mại điện tử có thể kết nối trực tiếp người bán với người tiêu dùng, mở rộng số lượng người mua và người bán trên cùng một không gian với nhiều nhóm sản phẩm, đồng thời chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.
 
Theo đó, tính riêng trong năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Yên Bái và các sàn thương mại điện tử trong nước: Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Sendo, Lazada. Còn trong 7 tháng năm 2022, Sở đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa DN tỉnh Yên Bái, với các đối tác, DN nước ngoài năm 2022, với sự hỗ trợ của Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương, qua đó đã tạo cơ hội trao đổi, kết nối cho 9 DN của tỉnh, với 20 đối tác nước ngoài của các nước: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaisia và Pakistan; hỗ trợ 4 DN sản xuất chè, quế và chế biến khoáng sản tham gia khởi động chương trình, sẵn sàng xuất khẩu (R2E) do Cục XTTM tổ chức… cùng nhiều chương trình xúc tiến thương mại khác.
 
Được biết, để tiếp tục hỗ trợ kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX phát triển, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030, tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm lãnh đạo, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương phát triển HTX; tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực…
 
Đồng thời, lấy phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là những giải pháp căn cơ để kinh tế tập thể phát triển xứng tầm trong tình hình mới.
 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 665419
  • Truy cập hôm nay: 686
  • Đang trực tuyến: 11