Gỡ “nút thắt” cho lò đốt rác Đông Cuông (Văn Yên)

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, lò đốt rác ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên phải dừng hoạt động vì mùi khét và khói đen ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây. Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được tỉnh, huyện Văn Yên triển khai nhằm gỡ “nút thắt”, xử lý triệt để tình trạng khói, mùi ra môi trường, đưa lò đốt rác vận hành trở lại an toàn.

Dây chuyền lò đốt rác xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Đã 6 tháng qua, kể từ khi lò đốt rác Đông Cuông dừng hoạt động, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Đông Cuông mới trở lại bình thường. Bởi vì, từ khi lò đốt này được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2022, tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhất là các hộ dân sinh sống tại các thôn: Gốc Quân, Trung Tâm và Khe Chàm.

Chị Hà Thị Nhất, thôn Gốc Quân cho biết: “Kể từ khi lò đốt hoạt động, tôi và các hộ xung quanh phải sống chung với ô nhiễm từ khói, mùi khói khét lẹt rất khó chịu, nhiều khi không thở nổi, nhiều trẻ con quanh khu này đa phần ho ốm, mắc các bệnh về đường hô hấp. Khổ nhất là những lúc hướng gió mùi khói khét lẹt theo luồng gió tấp hẳn vào nhà và khu dân cư liền kề đó. Dù buổi trưa, buổi tối cả nhà đều phải bịt khẩu trang đi ngủ. Thời tiết mưa phùn khói cuốn vào khu dân cư không thoát đi đâu được nên mùi khét không lúc nào ngớt”.

Theo phản ánh của những người dân nơi đây, khói từ lò đốt ra có màu đen, lan rộng và sà xuống khu ruộng sản xuất như sương mù, rất khó chịu. Không thể chịu được mùi khét, ô nhiễm từ lò đốt rác, các hộ dân đã liên tục gửi đơn phán ánh lên chính quyền xã và huyện về ảnh hưởng của lò đốt rác đến cuộc sống gia đình.

Đỉnh điểm là ngày 20/2/2023, đã có khoảng 50 người dân thuộc 3 thôn: Trung Tâm, Gốc Quân và Khe Chàm tập trung vào cản trở hoạt động của lò đốt. Được biết, lò đốt rác xã Đông Cuông có tổng mức đầu tư 5,3 tỷ đồng, công suất 24 tấn/ngày, được khởi công xây dựng vào tháng 10/2021 và đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. Đây là công trình xử lý rác thải sử dụng công nghệ đốt đầu tiên trên địa bàn tỉnh, do Sở Tài nguyên – Môi trường làm chủ đầu tư.

Việc xây dựng, vận hành lò đốt rác tại xã Đông Cuông có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Mặc dù vậy, những bất cập trong hoạt động của lò đốt đã khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân quanh đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước phản ảnh và bức xúc của người dân, ngày 20/2/2023, UBND huyện Văn Yên đã cho tạm dừng hoạt động của lò đốt; đồng thời, thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp giải quyết. Tiếp đó, từ ngày 5 – 20/6/2023, UBND huyện Văn Yên chỉ đạo vận hành trở lại lò đốt để thực hiện việc đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng khói, bụi và mùi phát sinh từ lò đốt rác ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh.

Huyện cũng đã thành lập tổ chỉ đạo cùng các nhóm giám sát với đủ các thành viên từ chính quyền địa phương, ngành môi trường, người dân khu vực bị ảnh hưởng để thực hiện việc giám sát, ghi chép, báo cáo thực tế phát sinh toàn thời gian trong quá trình vận hành lò đốt.

Theo đó, nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng trên do vị trí công trình nằm ở thung lũng, khi có gió thổi thì khói thải của lò đốt không thoát lên cao được; dẫn đến, lan truyền, ảnh hưởng đến khu dân cư; việc phân loại rác còn có lúc chưa đảm bảo. Việc xử lý khí thải của lò đốt chưa được triệt để nên dẫn tới mùi khét.

Tại cuộc kiểm tra thực tế và đối thoại với người dân trên địa bàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết: Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng đầu tư, nâng cấp bổ sung các trang thiết bị để hoàn thiện lò đốt rác thải này và sẽ cho chạy thử nghiệm. Sau khi các thông số khói thải, nước thải đảm bảo mới cho vận hành nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng về môi trường đối với đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, khi vận hành trở lại phải có quy trình, quy định rõ ràng và có sự tham gia giám sát của người dân.

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đã có những giải pháp được đưa ra sau thời gian vận hành đánh giá để xử lý tình trạng ô nhiễm khói, mùi. Theo đó, đơn vị thi công đã xây dựng và hoàn thành 1 bể chứa nước mới với dung tích hơn 50 m3; ống khói thải được nối thêm 10 mét, nâng độ cao từ 22 m lên hơn 30 m; bổ sung thêm một giàn phun dung dịch kiềm xử lý bụi, khí thải… Bên cạnh đó, việc phân loại, hong phơi rác đạt đến độ ẩm dưới 50% cũng là một trong các biện pháp được yêu cầu thực hiện khi lò đốt hoạt động trở lại”.

Hiện, lò đốt rác tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên vẫn tiếp tục chờ đánh giá tổng thể từ phía chính quyền và ngành môi trường địa phương để có thể hoạt động trở lại. Còn việc đem nhà máy di dời đến một địa điểm khác như đề nghị của người dân thì liệu có khả thi với điều kiện thực tế xử lý rác thải tại địa bàn phải cần thời gian để ngành chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.

Trước mắt, dự kiến từ hôm nay- 14/9/2023, huyện Văn Yên sẽ tổ chức vận hành và giám sát việc vận hành lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông trong thời gian 30 ngày nhằm đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng khói, bụi, mùi phát sinh từ lò đốt gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh và tìm biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên theo yêu cầu của UBND tỉnh và của nhân dân.

Sau thời gian tổ chức thực hiện vận hành và giám sát việc vận hành lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ vận hành thực hiện nghiêm quy trình vận hành lò đốt, tiếp tục tăng cường giám sát việc vận hành lò đốt; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, hướng dẫn về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để nâng cao ý thức của nhân dân trong việc phân loại rác tại nguồn; tuyên truyền và triển khai thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo cơ chế xã hội hóa…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601380
  • Truy cập hôm nay: 399
  • Đang trực tuyến: 1