Gỡ khó cho xuất khẩu tinh dầu quế

Hàng trăm tấn tinh dầu quế đã không thể xuất khẩu từ cuối năm 2023 đến nay. Cây xóa nghèo nhưng người dân đang có nguy cơ tái nghèo vì những quy định chưa phù hợp.

Tinh dầu quế Đại Phú An của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên là sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. (Ảnh mình họa)

Cây quế là cây trồng chủ lực giảm nghèo ở nhiều địa phương. Ngành trồng quế nhiều năm qua đã phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm trong quá trình sản xuất & tinh dầu quế là một trong những sản phẩm tận thu từ quá trình trồng trọt. Nhưng ngành sản xuất này đang gặp khó, hàng trăm tấn tinh dầu quế đã không thể xuất khẩu từ cuối năm 2023 đến nay. Cây xóa nghèo nhưng người dân đang có nguy cơ tái nghèo vì những quy định chưa phù hợp.

Mỗi thùng chứa 30kg tinh dầu, có khoảng 3 tấn tinh dầu của công ty không xuất khẩu được đã nằm kho 5 tháng. Tình cảnh này đang diễn ra với vùng sản xuất quế lớn nhất trong cả nước là Lào Cai và Yên Bái tồn kho khoảng 100 tấn, ước tính hết vụ quế mùa xuân năm nay sẽ tồn kho thêm khoảng 400 tấn tinh dầu.

“Sản xuất tinh dầu quế thì lợi nhuận khoảng 5%. Theo thông tư 48 phải thuê dược sĩ, thuê kho thì không còn lãi”, ông Nguyễn Bình Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Thái Tuấn cho biết.

Không xuất khẩu được doanh nghiệp không thể thu mua khiến hàng tấn nguyên liệu của người dân cũng đang rã nát.

“Doanh nghiệp không mua thì rất ảnh hưởng kinh tế của gia đình, mỗi vụ giờ giảm từ 10 triệu đến 20 triệu”, chị Hoàng Thị Khé – Huyện Văn Bàn, Lào Cai chia sẻ.

Là sản phẩm phụ thu đi kèm, được ép từ lá, cành nhỏ người dân cắt tỉa hàng năm để cây lớn, tinh dầu quế có nhiều tạp chất nên hiện nay trên thị trường sản phẩm này chưa đủ để đi vào nhóm đầu vào của ngành dược. Tuy nhiên Bộ Y tế đưa vào diện quản lý nhà nước theo Thông tư 48/2018. Giờ yêu cầu theo các quy định sản xuất dược, cánh cửa thực sự đóng lại với nghề sản xuất tinh dầu quế ở đây.

Phần lớn doanh nghiệp sản xuất tinh dầu quế khá manh mún, nhỏ lẻ do đó chưa thể đầu tư nhà xưởng từ 500m2 trở lên với trang thiết bị hiện đại như những yêu cầu về sản xuất dược liệu.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: “Cơ bản là xuất ở dạng thô, sử dụng làm thực phẩm, làm hương liệu. Chính vì vậy việc áp theo một mã duy nhất đó là mã về dược liệu là khó khăn cho doanh nghiệp”.

Nhiều kiến nghị đã được gửi lên các cơ quan liên quan nhưng đi một vòng thì nay vẫn trở về chỗ cũ.

“Từ đầu tháng hai chúng tôi cũng có báo cáo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tất nhiên là Bộ Y tế, và có thông tin đến Tổng Cục hải quan. Đến nay Bộ y tế cũng chưa có phản hồi chính thức, tuy nhiên Hải quan có trả lời cho chúng tôi nói rằng các vấn đề này hải quan phải chịu sự điều chỉnh của các thông tư đó cho nên cần phải đến gặp Bộ Y tế để xử lý”, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam chia sẻ.

Với những vấn đề vướng mắc, chồng lấn về mặt quản lý nhà nước thì rất cần xem xét rà soát và điều chỉnh để một ngành sản xuất được tiếp tục.

Không chỉ tinh dầu quế, với cơ chế hiện nay, trong tương lai nếu xuất khẩu tinh dầu có chiết xuất từ cây gia vị như cây chanh, cây gừng đều phải thực hiện theo quy định của Luật dược. Cái khó tuy nhỏ nhưng đang dần bóp nghẹt một ngành sản xuất rất cần được hỗ trợ để giúp người dân giảm nghèo ở những vùng còn khó khăn. Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm tinh thần ấy đang cần được phát huy hết sức để gỡ những vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 601310
  • Truy cập hôm nay: 329
  • Đang trực tuyến: 2