Giải pháp “Đột phá của đột phá” sẽ giúp Yên Bái phát triển kinh tế

Trong buổi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định các giải pháp được coi là “đột phá của đột phá” trước hết sẽ giữ chân, sau đó thu hút người lao động trở về xây đắp quê hương. Từ đó là tiền đề giúp Yên Bái phát triển.

PV: Xin chào ông, ở thời điểm hiện tại, nhắc đến Yên Bái, nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng đây là một nơi rất xa và khó khăn, ông suy nghĩ thế nào về điều này?

Ông Trần Huy Tuấn: Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, song những năm gần đây Yên Bái đã từng bước khắc phục, đầu tư có trọng điểm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng với các tuyến chính theo trục dọc và kết nối theo trục ngang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Qua các chương trình tiếp xúc đầu tư, nhiều doanh nghiệp còn bất ngờ khi biết Yên Bái là địa phương nằm trong nhóm khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Để thay đổi những suy nghĩ đó, tỉnh Yên Bái đang tích cực lan toả hình ảnh và thu hút đầu tư đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp một cách đầy đủ trên các nền tảng số.

PV: Hiện toàn tỉnh Yên Bái có bao nhiêu dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, số doanh nghiệp và người lao động đang làm việc trên địa phương thế nào, thưa ông?

Ông Trần Huy Tuấn: Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 dự án được cấp chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 106.000 tỉ đồng; tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3.178 doanh nghiệp; nộp ngân sách của các doanh nghiệp hằng năm chiếm trên 60% tổng thu cân đối trên địa bàn (9 tháng năm 2023 ước đạt 1.000 tỉ đồng).

Hiện có trên 48.640 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp với mức thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc chú trọng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh cũng đã rất quan tâm, đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

PV: Theo phản ánh của doanh nghiệp, thời gian vừa qua lãnh đạo tỉnh Yên Bái luôn “nóng” trong việc giải quyết những khó khăn về công tác đầu tư, triển khai dự án tuy nhiên khi làm việc với cấp cơ sở thì lại “lạnh” dẫn đến những vướng mắc kéo dài, ở góc độ người đứng đầu chính quyền tỉnh Yên Bái, ông có suy nghĩ gì về câu chuyện này?

Ông Trần Huy Tuấn: Vấn đề mà doanh nghiệp đề cập là có, lãnh đạo tỉnh cũng đã nắm được nên trong các hội nghị, diễn đàn vừa qua chúng tôi liên tục nhắc nhở, đôn đốc các sở ngành, huyện sớm giải quyết những đề xuất chính đáng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có một vài nguyên nhân khách quan ví dụ đề xuất đầu tư dự án của doanh nghiệp chưa có trong quy hoạch hoặc chưa đồng bộ các hệ thống văn bản với nhau như Luật Đất Đai và Luật Đầu tư. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập các Tổ công tác giải quyết, giao trách nhiệm trực tiếp đến từng Giám đốc Sở và Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố.

Một trong số những Khu công nghiệp mới của tỉnh Yên Bái, ưu tiên công nghiệp chế biến khoáng sản.

PV: Hai dự án khách sạn lớn nhất Yên Bái của Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH tổng công ty Hòa Bình Minh đang thi công trở lại, đây có phải là tín hiệu tích cực trong khi tỉnh đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Huy Tuấn: Trong thời gian qua, Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh cũng tăng cường công tác đối thoại, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp. Duy trì triển khai thực hiện Chương trình “Ngày cuối tuần cùng doanh nghiệp” và Chương trình “Cà phê doanh nhân”. Qua đó, đã chỉ đạo, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Nhờ đó, nhiều dự án chậm tiến độ, các dự án không triển khai đã khởi sắc để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác.

PV: Tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Lễ khánh thành công trình cầu Giới Phiên, trị giá 650 tỉ đồng, cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng, xin ông chia sẻ về câu chuyện tầm nhìn chiến lược của địa phương trong bối cảnh còn có dư luận cho rằng một số công trình chưa thực sự quá cần thiết ở thời điểm hiện tại?

Ông Trần Huy Tuấn: Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một trong những quan điểm phát triển của tỉnh ở hiện tại và tương lai là “Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng các khu vực động lực, những điểm đầu mối…” nhằm tăng cường tính liên kết vùng, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Do đó, trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông phù hợp với quy hoạch nhằm hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, tạo thành các trục kết nối dọc và ngang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, là tiền đề để phát triển không gian các đô thị và góp phần đưa Yên Bái nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Đồng thời, phía sau những công trình giao thông, với mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân là giá trị cốt lõi, tất cả phục vụ đời sống của nhân dân. Tôi cho rằng niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân khi được rút ngắn khoảng cách giao thông, được lưu thông an toàn trên những cây cầu nối liền bờ vui hai bờ sông Hồng đã là câu trả lời rõ nhất về sự cần thiết của các công trình hiện nay.

Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tối 24.9.2023.

PV: Trong tháng 9.2023, Yên Bái diễn ra hàng loạt sự kiện lớn, ông đánh giá như thế nào về thu hút đầu tư của tỉnh và thành phố trong thời gian tới?

Ông Trần Huy Tuấn: Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để định hướng thu hút đầu tư, để doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như làm cơ sở để tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.

Việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, khai thác phát huy có trọng tâm, trọng điểm các điều kiện tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, cùng với công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ, đồng thời việc tập trung lồng ghép các nguồn lực để củng cố, hoàn hiện cơ sở hạ tầng (giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện, xử lý chất thải…) sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Bên cạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp; các khu đô thị hiện đại, Yên Bái sẽ chú trọng phát triển các khu vực trung tâm thương mại, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch, dịch vụ cao cấp, hài hòa với bản sắc văn hóa của địa phương.

Riêng thành phố Yên Bái sau khi trở thành đô thị loại II sẽ phát huy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế để phát triển toàn diện và trở thành nơi vô cùng đáng sống.

PV: Xin ông chia sẻ thêm về giải pháp thu hút lao động, dân cư trong bối cảnh toàn tỉnh chưa đến 1 triệu người?

Ông Trần Huy Tuấn: Trước đây do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô sử dụng lao động không nhiều, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa thật sự đa dạng nên người lao động thường đi các địa phương khác làm việc.

Như tôi đã đề cập ở trên, sau Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái đã bổ sung thêm Khu Công nghiệp. Hiện nay tỉnh cùng tất cả các ngành, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Hiện đã có nhà đầu tư chuyên nghiệp đăng ký xây dựng Khu Công nghiệp, từ đó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp về địa phương triển khai dự án. Yên Bái cũng tích cực tham gia, triển khai xây dựng đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồng thời bố trí quỹ đất để đảm bảo các chính sách an sinh cho người lao động.

Khi có Khu công nghiệp quy mô và những doanh nghiệp lớn ở địa phương thì sẽ tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân. Những người ở độ tuổi lao động không cần đi đâu nữa, còn những người đi làm ăn xa sẽ trở về quê hương làm việc.

Chúng tôi đánh giá phát triển công nghiệp là đột phá của đột phá và là cơ sở thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động kể cả các khu vực lân cận về Yên Bái. Từ đó, di cư cơ học từ đó sẽ tăng dần trong tương lai.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo Cổng TTĐT tỉnh

 


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 681910
  • Truy cập hôm nay: 206
  • Đang trực tuyến: 4