Động lực đưa Yên Bái phát triển nhanh và bền vững

Những ngày này, đi trên những con đường mới rộng rãi, thoáng đãng, hiện đại, hai bên là những công trình xây dựng cao tầng, các khu, cụm công nghiệp nối dài tít tắp…, người dân Yên Bái ai cũng tự hào về miền đất khó khăn ngày nào nay đã bừng sáng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu một số cách tiếp cận để tỉnh Yên Bái phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xung quanh nghiên cứu khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế hồ Thác Bà. (Ảnh: T.L)

Xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra khung pháp lý cao nhất và là công cụ quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Trên tinh thần đó, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đưa nội dung này đi trước một bước theo từng giai đoạn, ngành, lĩnh vực cụ thể, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, bảo đảm phù hợp với định hướng, tầm nhìn, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đất nước.

Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Yên Bái tích cực xây dựng, triển khai nhiều đồ án quy hoạch đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực.

Đây là tiền đề quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới, đưa Yên Bái trở thành tỉnh giàu mạnh và thịnh vượng. Từ thực tế, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 6 trục liên kết động lực và 12 ý tưởng đột phá.

Nhìn nhận được tiềm năng, lợi thế và tận dụng những cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, Quy hoạch tỉnh Yên Bái đặt quan điểm phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Theo đó, Yên Bái là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, nền kinh tế phát triển toàn diện, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức khá của cả nước.

Theo hướng này, Yên Bái sẽ duy trì môi trường sinh thái bền vững; thúc đẩy kinh tế phát triển đồng đều theo hướng gia tăng giá trị và năng suất; trở thành là điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện; nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện ở mọi mặt – hình thành nên một cộng đồng đáng sống.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao đổi về công tác quy hoạch phát triển không gian đô thị tại thị xã Nghĩa Lộ.

Yên Bái sẽ hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng là thành phố Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận; 3 vùng kinh tế là vùng kinh tế trung tâm; vùng kinh tế phía Đông; vùng kinh tế phía Tây. Quy hoạch tỉnh xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, đó là: công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông – lâm nghiệp.

Trong đó, trụ cột công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch tỉnh Yên Bái đưa ra 3 kịch bản phát triển thời kỳ 2021 – 2030. Trên cơ sở dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng, lợi thế, Quy hoạch đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021 – 2030 đạt bình quân 8,5%/năm. Về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 39,0%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 125 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.400 USD/người. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần huy động khoảng 280 nghìn tỷ đồng. Theo kịch bản đã xác định quy hoạch tỉnh xây dựng 6 trục liên kết động lực: trục động lực cao tốc Nội Bài – Lào Cai; trục dọc quốc lộ 32; trục dọc quốc lộ 70; quốc lộ 32D, CT12; trục Mường La – Mù Cang Chải – Văn Chấn – Văn Yên – ĐT 166, 164, 171; quốc lộ 37…

Từ thực trạng phát triển, tiểm năng, động lực, bối cảnh và xu hướng phát triển của quốc tế, cả nước và của tỉnh, Yên Bái hội tụ điều kiện để phát triển từ nền kinh nông nghiệp dần qua nền kinh tế công nghiệp và hướng tới nền kinh tế dịch vụ trong tương lai.

Với yếu tố về đất đai và lao động là hữu hạn, để hướng tới nền kinh tế công nghiệp phát triển Yên Bái phải tập trung toàn lực thu hút, phát triển về vốn và công nghệ. Phấn đấu đến năm 2050 Yên Bái sẽ là một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp (tập trung chế biến sâu các sản phẩm nông lâm sản; vật liệu xây dựng cao cấp), nông nghiệp công nghệ cao, du lịch dịch vụ và đầu mối giao thông, logistics cấp vùng.

Để hướng tới nền kinh tế công nghiệp với hình ảnh Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Yên Bái sẽ thực hiện 4 trụ cột chiến lược làm định hướng, kim chỉ nam đó là: chính quyền kiến tạo; dân trí nâng cao; môi trường bền vững; hạ tầng thông minh.

Đối với trụ cột chính quyền kiến tạo, chính quyền chuyển từ “chèo đò” sang “lái đò”, với quan điểm Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không được làm; cung ứng “hàng hóa công” – hàng hóa thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ; cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức, ưu tiên tập trung nâng cao chỉ số PCI, PAPI, ICT, SAPI; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân…

Trụ cột dân trí nâng cao – nâng cao GRDP bình quân đầu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo các cấp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; lao động có tay nghề; giảm khoảng cách giáo dục giữa thành thị – nông thôn – các khu vực vùng sâu, vùng xa; nâng cao chỉ số bác sĩ/1 vạn dân và chỉ số giường bệnh/1 vạn dân; phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng…

Trụ cột môi trường bền vững – phát triển các ngành kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ cao và bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của người Yên Bái; các khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống; nâng cao trách nhiệm quản lý của Nhà nước và ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế…

Trụ cột hạ tầng thông minh – tập trung từng bước xây dựng hạ tầng thông minh để hướng tới đô thị thông minh với 3 trụ cột chính: công nghệ, con người và quản trị; từng bước ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và phát triển kinh tế; nâng chất lượng cuộc sống người dân, nguồn nhân lực trong điều kiện phát triển kinh tế mới; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…

Công trình cầu Giới Phiên sắp hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Quá trình lập Quy hoạch tỉnh gặp những khó khăn nhất định, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia, đến nay tiến độ lập Quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Quy hoạch là một trong những công cụ quản lý nhà nước hết sức quan trọng, là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp sử dụng trong hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các ngành lĩnh vực trên các cấp độ lãnh thổ từ quốc gia, vùng và các tỉnh/thành phố hướng tới việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực và các lãnh thổ nhằm phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Quy hoạch là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công trung hạn trên các địa bàn lãnh thổ, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường và đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Xác định tầm nhìn, kịch bản và các khâu đột phá phát triển phù hợp với xu hướng quốc gia, quốc tế góp phần quan trọng trong định hướng phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội tỉnh Yên Bái hài hòa, bản sắc, bền vững.

Việc lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành, tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đòi hỏi có sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao của các chủ thể phát triển, trong đó đặc biệt quan trọng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nòng cốt là các cấp chính quyền trong tỉnh và các doanh nghiệp.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 605623
  • Truy cập hôm nay: 803
  • Đang trực tuyến: 2