Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông

Chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chủ trì phiên thảo luận tổ.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu chủ trì trong phiên thảo luận ở tổ chiều 27/10.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Cơ bản thống nhất với các nội dung nghị quyết, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Duy kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát về hồ sơ, thủ tục và các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc giải ngân, thanh quyết toán Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.

Đối với nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Đỗ Đức Duy thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm và hầu hết các nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu cho rằng, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cấp vùng, liên vùng, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, các vùng, miền và cả nước.

Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, đại biểu đề nghị sửa lại Khoản 4 của dụ thảo Nghị quyết thành các dự án đề xuất phải thuộc đối tượng có thể áp dụng một trong các nhóm chính sách thí điểm quy định tại Điều 1 của nghị quyết này. Bởi điều kiện tiên quyết là dự án đó phải thuộc nhóm có thể áp dụng một trong các chính sách thí điểm người ta phải đưa lên đầu tiên.

Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ “hoặc dự án thành phần” sau cụm từ “dự án” để phù hợp, đại biểu cho biết, thực tế hiện nay một dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua nhiều địa phương, trong đó có thể chỉ một số đoạn, tuyến đi qua các địa phương có thể giao cho UBND cấp tỉnh làm chủ quản thực hiện đầu tư thì khi đó thì đoạn tuyến đấy sẽ được tách ra thành một dự án thành phần để giao cho địa phương làm chủ quản.

Đối với Điều 6, hiện nay trong dự thảo có quy định 5 khoản, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản, bố trí ngay sau Khoản 3 quy định về trường hợp nếu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mà liên quan tới tăng tổng mức đầu tư thì cơ chế bảo đảm nguồn vốn thực hiện như thế nào.

Về việc nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu thống nhất với ý kiến là miễn giấy phép mới chỉ là một việc, vì hiện nay các dự án khai thác khoáng sản nói chung, trong đó có dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải bao gồm hai tài liệu rất quan trọng. Một là giấy phép khai thác khoáng sản, hai là dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đại biểu lý giải, trong dự thảo Nghị quyết hiện nay mới quy định là miễn giấy phép xây dựng nhưng chưa quy định việc có phải lập dự án đầu tư hay không. Bởi các thủ tục về đánh giá tác động môi trường hay là cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng… thì đều phải thực hiện dựa trên dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận và phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội phát biểu thảo luận.

Tham gia và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thành Trung – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội đồng tình với việc đề nghị rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để bảo đảm các chính sách thí điểm có địa chỉ rõ ràng, dự án cụ thể và bao quát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đầu tư các dự án thuộc danh mục thí điểm rà soát để quy định phù hợp và khả thi, hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện nghị quyết.

Đại biểu Trung đề nghị Chính phủ cân nhắc quy định bổ sung, mở rộng đối tượng này để đảm bảo là theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tránh áp dụng cơ chế thí điểm này cho quá nhiều dự án, vượt quá khuôn khổ thí điểm của Quốc hội quyết định mà ở đây chúng ta chưa đánh giá được tác động, trong khi nghị quyết này chỉ thí điểm đến hết năm 2025.

Về cơ chế áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thẩm quyền quyết định phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương, đại biểu Trung đề nghị Quốc hội chưa xem xét danh mục, mức vốn cụ thể đối với các dự án kèm theo tờ trình của Chính phủ và không đính kèm theo một dự thảo nghị quyết của Quốc hội.


Cùng ý kiến tham gia nghị quyết này, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận (ảnh trên) nêu thực tế, trong thời gian qua có rất nhiều công trình giao thông, cả đường, cả cầu đi qua các địa phương, trong đó địa phương có điều kiện về ngân sách làm xong sớm, nhưng phần bên kia địa phương chưa thực hiện nên không phát huy được hiệu quả. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế tháo gỡ, hoặc hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương thực hiện.

Về cơ chế đặc thù trong khai thác các mỏ khoáng sản và vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Luận cho rằng nêu có cơ chế đặc thù và không phải riêng khoản 7 mà đã là đặc thù thì tất cả các nội dung khác có liên quan đến giao thông trong thí điểm này nên áp dụng cơ chế đặc thù về đất, về rừng mới có thể triển khai được.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhận thấy mới có quy định trách nhiệm của UBND tỉnh và để nghị bổ sung trách nhiệm của HĐND tỉnh.

Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia: về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682424
  • Truy cập hôm nay: 720
  • Đang trực tuyến: 11