Chế độ thai sản cần được áp dụng cho tất cả phụ nữ, kể cả lao động tự do

Sáng 23/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An – cho rằng, cần phải lồng ghép giới trong dự thảo Luật.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Nữ đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho hay, khoảng cách giới trong thụ hưởng BHXH của ta là rất lớn. Ở tuổi 65 chỉ có 16% phụ nữ hưởng lương hưu trong khi nam giới là 27,3%. Ở tuổi 80, nữ giới hưởng lương hưu là 6,9% còn nam giới là 25,9%.

Giá trị lương hưu của nam giới cao hơn nữ giới là hơn 19,8%. Tiền lương theo tháng của nam giới cao hơn nữ giới là 30% trong năm 2019. “Chênh lệch này đang dần tăng lên và khoảng cách này không điều chỉnh được trong những năm gần đây”, đại biểu Thu Hiền nói.

Mặc dù giai đoạn mới tham gia bảo hiểm, phụ nữ tham gia bảo hiểm khá tốt. “Ở tuổi 26 đạt 58%, điều này chứng tỏ phụ nữ rất quan tâm đến BHXH”, bà Hoàng Thị Thu Hiền cho biết.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã phải rút BHXH trong giai đoạn mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. Theo thống kê, có 69% phụ nữ phải rút bảo hiểm một lần dưới tuổi 35 do thực hiện thiên các thiên chức mang thai, sinh con, cùng với đó, 2/3 số phụ nữ phải đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình – những công việc không được trả công, nên buộc phải lựa chọn rút khỏi BHXH.

Từ đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề xuất, cần có những chính sách khác biệt tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia BHXH, khoả lấp những khoảng trống khác biệt giới mang lại. Cần nghiên cứu để đưa các giải pháp lồng ghép giới một cách thực chất vào trong thảo luật.

Chỉ có 30% phụ nữ được hưởng chế độ thai sản

Ván đề lớn thứ hai, theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, hiện nay mức hưởng trợ cấp thai sản theo dự thảo luật quy định, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng trợ cấp khi sinh. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức trợ cấp này, đồng thời cần cân nhắc để bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ.

Ngoài ra, chế độ thai sản là 1 trong 5 chế độ thực hiện sớm nhất trong hệ thống chính sách xã hội ở nước ta, mang đậm nhân văn, được thế giới đánh giá. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30% lao động nữ trong hệ thống bảo hiểm được hưởng chế độ này, phần lớn lao động tự do không được tiếp cận. Thậm chí, nhiều phụ nữ không đủ điều kiện tiếp cận bất cứ một loại bảo hiểm nào. Nhiều phụ nữ phải đi làm sớm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự chăm sóc của cả mẹ và trẻ em.

Nữ đại biểu này đề nghị, chế độ thai sản nên được áp dụng cho tất cả các phụ nữ, kể cả những người làm việc trong điều kiện không chính thức. Đề nghị nghiên cứu chế độ thai sản đa tầng, bổ sung chế độ thai sản với phụ nữ nghèo, khuyết tật.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 605548
  • Truy cập hôm nay: 728
  • Đang trực tuyến: 2