Bộ Nội vụ thông tin mới về sáp nhập huyện, xã trên cả nước đến 2025

Dự thảo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ cho biết tính đến ngày 30-6 đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sáp nhập đơn vị cấp huyện, xã của các tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ Nội vụ đang dự thảo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành.

53 tỉnh, thành phố đã hoàn thiện phương án tổng thể

Liên quan việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2025, bộ nêu rõ đã chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện đề án.

Đến nay, có 53 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập đơn vị cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể.

Trong đó, cấp huyện thực hiện sáp nhập 49 đơn vị (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 40 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị).

Cấp xã thực hiện sáp nhập 1.247 đơn vị (bao gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 502 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị).

Tính đến ngày 30-6, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố.

Trong đó, chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đề án của 5 địa phương gồm Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh Thuận.

9 địa phương đang hoàn thiện đề án sau thẩm định gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Hải Dương, Quảng Trị, Cà Mau, Yên Bái, Bình Định, Tiền Giang.

14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định, trong đó 3 địa phương đã tổ chức khảo sát là Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh. 11 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ gồm Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Bến Tre, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa.

Báo cáo nêu rõ 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án.

1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật

Theo dự thảo, trong 6 tháng qua, bộ đã trình Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai kế hoạch tổng kết, xây dựng báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Cùng với đó, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó đã giảm 10 tổ chức (chi cục, phòng và tương đương) của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (hiện còn 7.117 tổ chức) và giảm 8 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện (hiện còn 6.983 tổ chức).

Về tinh giản biên chế công chức, viên chức trong 6 tháng của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các nghị định của Chính phủ tổng số 3.853 người.

Trong đó bộ, ngành 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức).

Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ công chức viên chức, kể cả đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện quy định của Đảng về kịp thời thay thế, đình chỉ công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở tổng hợp số liệu của các bộ, ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật (trong đó cán bộ 139 người, công chức 432 người, viên chức 767 người).

Các bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức được 13.965 người (bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức, địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức).

Tuyển dụng theo nghị định 140/2017 được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (bộ, ngành tuyển dụng 4 người, địa phương 26 người).

Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành nghị định 73/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Trong đó điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng) và hướng dẫn thực hiện cơ chế thưởng 10% tổng mức lương cơ bản của cơ quan, đơn vị để thực hiện từ ngày 1-7.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682065
  • Truy cập hôm nay: 361
  • Đang trực tuyến: 4