Doanh nghiệp Yên Bái tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động các giải pháp phòng ngừa, quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện và phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ có thể xảy ra.

Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF luôn quan tâm tới công tác PCCC, đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh cho người lao động.

Mặc dù năm 2023 với những khó khăn chung của ngành xuất khẩu trong nước nhưng với nhiều cố gắng, nỗ lực trong sản xuất và kinh doanh, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn xuất bán được khoảng trên 3,2 triệu sản phẩm với doanh thu khoảng 113 tỷ đồng. Sản lượng nâng lên đồng nghĩa với việc Công ty cần phải sử dụng nhiều thiết bị điện trong sản xuất như máy cắt, máy may, máy là…, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Do vậy, công tác PCCC luôn được công ty đặt lên hàng đầu.

Ông Phạm Ngọc Mai – phụ trách nhà xưởng, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF cho biết: Với tổng diện tích nhà máy trên 32 nghìn m², Công ty đã lắp đặt hệ thống báo khói, báo nhiệt tự động tại xưởng sản xuất và hệ thống phun nước tự động tại kho cắt và kho đóng thùng; đầu tư 30 tủ chữa cháy với 100 bình bột, 50 bình khí chữa cháy, 50 đầu vòi và 8 xe đẩy chữa cháy cùng hệ thống chuông báo cháy được đặt tại các vị trí thuận lợi có thể dễ dàng sử dụng khi có sự cố xảy ra.

“Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, phòng chống cháy nổ, khi công suất sử dụng máy móc tăng cao, Công ty đã thường xuyên cử cán bộ kiểm tra các thiết bị chữa cháy như bình cứu hóa, vòi phun, họng nước… để kịp thời thay mới khi đã cũ hỏng” – ông Mai nói.

Với đặc thù địa phương, 70% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang sản xuất, kinh doanh với công suất lớn, sử dụng điện cao, có nguy cơ cháy nổ cao với nhiều ngành nghề, sản phẩm dễ cháy nổ như: gỗ, ván ép, hạt nhựa, hàng may mặc… Chính vì thế, ngay khi triển khai đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp đã có phương án PCCC; thành lập bộ phận phụ trách phòng chống cháy nổ. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho người lao động về vai trò, biện pháp PCCC, huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ chữa cháy và thực hiện nghiêm cam kết an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu – nhân viên Cửa hàng số 7, Công ty Xăng dầu Yên Bái trao đổi: Xăng, dầu là mặt hàng có nhiều nguy cơ cháy nổ do vậy công tác PCCC luôn được Công ty đặt lên hàng đầu. Tại các cây xăng, công ty đã niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động, tắt máy khi bơm nhiên liệu và các tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy nổ.

Anh Hiếu cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên nâng cao ý thức trong công tác PCCC và nhắc nhở khách hàng chấp hành các quy định về PCCC khi mua nhiên liệu tại các cây xăng”.

Song song với việc chủ động của các doanh nghiệp, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn trong phòng cháy tại các doanh nghiệp. Trong năm 2023, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã kiểm tra gần 170 doanh nghiệp, phát hiện 6 doanh nghiệp vi phạm về PCCC; xử phạt vi phạm hành chính gần 390 triệu đồng. Đồng thời, ban hành các quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động với các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trong quy định trong PCCC.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: So với trước đây, công tác PCCC đã được các chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc hơn. Cụ thể, trong quá trình xây dựng nhà máy, xí nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cháy nổ, trực tiếp đến cơ quan chức năng để thẩm duyệt và nghiệm thu công tác PCCC trước khi công trình đi vào hoạt động.

“Chúng tôi nhận thấy, dưới sự hướng dẫn của cán bộ PCCC, các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn cho 100% đội ngũ làm công tác PCCC kiêm nhiệm tại cơ sở, đảm bảo về lực lượng, phương tiện hậu cần và sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp khi có sự cố xảy ra” – Thượng tá Nam nhận định.

PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Cùng với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, doanh nghiệp đã và đang chủ động, tích cực trong phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng để công tác đảm bảo an toàn PCCC đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: