Phát huy vai trò của Doanh nhân, doanh nghiệp đối với việc xây dựng đường lối, nghị quyết phát triển kinh tế của tỉnh đảng bộ tỉnh

Đảng uỷ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh hiện có 74 chi, đảng bộ cơ sở, trong đó 46 đảng bộ cơ sở với 288 chi bộ trực thuộc và 28 chi bộ cơ sở (trong đó có 08 TCCSĐ loại hình đơn vị sự nghiệp, 47 TCCSĐ loại hình cơ quan hành chính, 19 TCCSĐ loại hình doanh nghiệp) với tổng số gần 4.800 đảng viên. Xác định Doanh nghiệp, doanh nhân là những lực lượng kinh tế quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Đảng ủy Khối và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã thường xuyên gặp gỡ, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp; phối hợp tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với doanh nghiệp, trong đó đã tham gia góp ý kiến vào một số dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh và các Sở Ngành của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp.

Thường trực Tỉnh ủy thăm và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Định kỳ hàng quý, Đảng ủy Khối và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội nghị giao ban công tác khối doanh nghiệp theo từng lĩnh vực để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp trong đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; những vấn đề liên quan đến chế độ, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động; vấn đề tìm kiếm việc làm, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tại mỗi hội nghị, Đảng uỷ Khối và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, lựa chọn các câu hỏi phù hợp với từng chủ đề và gửi cho các sở, ngành, địa phương để trả lời tại hội nghị. Trong hội nghị đã đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo từng nội dung, chủ đề đã được thống nhất lựa chọn. Đại biểu của các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua; đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị các ngành chức năng giải quyết, tháo gỡ.

Chủ động, tích cực thông tin, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, định hướng mới của Trung ương, của tỉnh, nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước. Nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hội viên để kịp thời phản ánh với cấp thẩm quyền và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhất là tham gia xây dựng quy hoạch tỉnh Yên Bái. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, doanh nhân có những đóng góp từ phạm vi của doanh nghiệp, của địa phương, của ngành hàng… thông qua các hội, hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời các hiệp hội sẽ giúp doanh nghiệp, doanh nhân có được sự trợ giúp từ các chuyên gia pháp luật chuyên gia kinh tế thông qua các lớp cập nhật kiến thức cho lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp do Hiệp hội và Đảng ủy Khối tổ chức.

Phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong việc thường xuyên thông tin, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư để được các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; chỉ ra những hạn chế, bất cập của các cơ chế, chính sách hiện hành để chính quyền các cấp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tham mưu thực hiện các giải pháp nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh theo hướng lựa chọn những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính, có uy tín, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Chủ động triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số.

Tuy nhiên có thể nhận thấy, rất nhiều lần các dự thảo cơ chế, chính sách  của tỉnh đã được lấy ý kiến rộng rãi, nhưng ý kiến từ phía doanh nghiệp phản hồi không nhiều, hoặc có những ý kiến chất lượng không cao. Các ý kiến của mỗi doanh nghiệp thường ở góc độ đơn lẻ chưa có góc nhìn toàn diện và chưa được tổng hợp cụ thể để chuyển đến các cơ quan chức năng tổng hợp, tiếp thu…

Thường trực Đảng ủy Khối- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thăm và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Nhằm phát huy vai trò của Doanh nhân, doanh nghiệp đối với việc xây dựng đường lối, nghị quyết phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, Đảng ủy Khối đã xác định các giải pháp vụ thể đó là:

Một là: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt rộng rãi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình nhất là các nội dung liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Đảng ủy Khối, Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục chủ động hơn nữa nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy và các cấp có thẩm quyền những chủ trương, giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mối quan hệ gắn kết, hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong tỉnh.

Hai là, phát động và thực hiện tốt các phong trào thi đua lao động sản xuất một cách sáng tạo, hiệu quả; phát huy tiềm năng, lợi thế, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ba là, các doanh nghiệp tích cực chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định việc làm cho công nhân và người lao động; thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nghiêm túc giữ gìn và đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Bốn là, chăm lo xây dựng các đoàn thể trong doanh nghiệp vững mạnh; xây dựng giai cấp công nhân, thực hiện trí thức hóa giai cấp công nhân của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn cách mạng mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Năm là, có kế hoạch, giải pháp phù hợp để tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; phát triển đội ngũ đảng viên làm nòng cốt trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đức Nguyễn


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682339
  • Truy cập hôm nay: 635
  • Đang trực tuyến: 11