Yên Bái: Đích đến là hạnh phúc của nhân dân

Thời gian qua, mục tiêu phát triển vì hạnh phúc của nhân dân đã được tỉnh Yên Bái hiện thực hóa ở từng bước đi với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp và xuyên suốt. Những tiêu chí về một xã hội hạnh phúc mà ở đó người dân hài lòng với chất lượng cuộc sống, môi trường, nền hành chính… đã được đặt lên hàng đầu.

Người dân Yên Bái tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao sức khoẻ và mức hưởng thụ văn hóa, làm cho cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Dọn về ở trong ngôi nhà mới rộng rãi, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông được gần 4 tháng nay song với gia đình anh Đặng Văn Hòa, người dân tộc Dao ở thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên vẫn như là giấc mơ. Vợ chồng anh chị lấy nhau từ năm 2011 và ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Ngoài số ruộng nương ít ỏi, hai vợ chồng phải đi làm thuê rất vất vả để mưu sinh nên không có tiền để làm nhà kiên cố.

Rồi từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình chị được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, 10 triệu đồng từ xã hội hóa để làm nhà mới. Cùng với đó, gia đình chị được hỗ trợ sinh kế từ cây quế giống để phát triển kinh tế.

“Căn nhà mới là mơ ước của vợ chồng tôi bấy lâu nay. Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc và luôn biết ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các nhà hảo tâm đã giúp vợ chồng tôi an cư. Gia đình sẽ nỗ lực phấn đấu trồng cây cối và cố gắng sản xuất để thoát khỏi khó khăn” – anh Hòa phấn khởi nói.

Gia đình anh Hòa là một trong số hơn 3.000 gia đình được hưởng lợi từ Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 – 2025. Ngoài được tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ khó khăn còn được các mạnh thường quân ủng hộ, thêm đối ứng của gia đình để xây nên những căn nhà khang trang và được tặng thêm các đồ dùng thiết yếu trong cuộc sống khiến hạnh phúc càng thêm trọn vẹn.

Cùng với mục tiêu xoá hoàn toàn nhà ở tạm, nhà ở dột nát để nâng cao chất lượng đời sống, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, tỉnh cũng luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, trong đó đã thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, tỉnh Yên Bái giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo.

Để có được kết quả này, một trong những giải pháp trọng tâm mà tỉnh triển khai là việc áp dụng các chính sách đặc thù, khuyến khích người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiêu biểu như: chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã giúp hộ nghèo phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản, hữu cơ; tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững… Riêng năm 2023, tỉnh đã phê duyệt kinh phí cho các chính sách này gần 47 tỷ đồng.

Xuân Long là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình với trên 90% là đồng bào dân tộc sinh sống. Kinh tế của người dân phát triển không đồng đều và còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, nhiều chính sách đã đến được với đồng bào, hệ thống đường giao thông được kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế nên đời sống của người dân ngày một được nâng cao.

Anh Nguyễn Duy Hải, thôn Mỏ Quan cho biết: “Nhận được sự trợ giúp về vốn, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, định hướng làm ăn của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể nên đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Kinh tế phát triển, con cái được học hành đầy đủ, gia đình có điều kiện tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần nên tôi cảm thấy rất phấn khởi”.

Với triết lý phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, tỉnh Yên Bái chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ khắp các thôn xóm, bản làng, từ nông thôn tới thành thị người dân đã tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều cách làm phù hợp với thực tế như: xây dựng tuyến đường hoa, phân loại thu gom rác thải tại nguồn, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp xanh… đã mang đến luồng gió trong lành cho cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, 88,8% chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý và tỷ lệ này ở nông thôn là trên 33,7%. Đã có 130/173 xã, phường, thị trấn hoàn thành xây dựng mô hình nông dân thực hiện tiêu chí môi trường thu gom rác thải đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

Năm 2024, thành phố Yên Bái là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn đối với 100% tuyến đường, ngõ và nơi công cộng để hình thành lối sống xanh, bền vững.

Bà Nguyễn Minh Phượng – tổ dân phố Đồng Tiến, phường Nam Cường chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi hay để rác chung, nhưng từ khi được cán bộ hướng dẫn phân loại rác, tôi thấy rất đồng tình bởi chỉ một hành động nhỏ của mỗi gia đình sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Không chỉ phân loại rác thải ngay tại nhà, cuối tuần, các gia đình trong tổ dân phố lại cùng nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh để tạo không gian sống thoáng đãng, sạch đẹp cho chính mình và cộng đồng”.

Dù mỗi người đều có quan điểm riêng về hạnh phúc song không ai có thể phủ nhận rằng hạnh phúc chính là đích đến trong cuộc đời của mỗi người. Bởi vậy, khi Yên Bái đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh với 3 tiêu chí được đặt ra là: sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình thì trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều phong trào thi đua vì hạnh phúc của người dân với những “sản phẩm” cụ thể, đặc trưng như: “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”; “Bác sỹ tận tâm – Bệnh nhân hạnh phúc”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh với phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, nơi làm việc “Xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc”; các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh với các cuộc thi viết, sáng tác về chủ đề xây dựng tỉnh Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”… Mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc đã lan tỏa, thấm sâu vào đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, gần 40% thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc và trên 500 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc. Chỉ số hạnh phúc đang tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái đặt ra: Mọi thành quả của sự phát triển cuối cùng cũng là để đem lại sự hạnh phúc cho nhân dân, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682172
  • Truy cập hôm nay: 468
  • Đang trực tuyến: 8