Theo đề xuất của Bộ Y tế, những người có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ thuộc nhóm bắt buộc phải đóng BHYT thay vì người có “đủ 3 tháng” như quy định hiện hành
Trong Dự thảo tờ trình Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.
Điều 12 Luật BHYT quy định về đối tượng tham gia BHYT. Trong đó có nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do tổ chức BHXH đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 12 về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang trình Quốc hội ban hành, bao gồm:
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên;
– Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương;
– Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.
– Bổ sung người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;
– Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại điểm c, d Khoản 1 Điều 12.
Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 5 về nhóm tự đóng BHYT, trong đó bổ sung người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật, người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Dự thảo cũng cập nhật các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ vào nhóm đối tượng tại khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, như: Người dân các xã An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú.
Theo Bộ Y tế, việc sửa đổi, bổ sung này có thể giúp duy trì và tăng đối tượng tham gia BHYT, từ đó tăng nguồn thu cho Quỹ BHYT, tăng nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh.
Đơn cử, năm 2023 có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, nếu chỉ riêng đối tượng này tham gia BHYT thì Quỹ BHYT có thể tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Riêng trong Quý 1/2023 tại Bình Dương có hơn 36.300 lao động nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Khi quy định đối tượng này tiếp tục tham gia BHYT sẽ giúp duy trì ổn định đối tượng và nguồn thu của Quỹ BHYT.
Bộ Y tế cũng đánh giá người tham gia BHYT có lợi khi được bảo đảm về tài chính và được Quỹ BHYT chi trả trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.
Đến hết năm 2023, dân số nước ta là hơn 100 triệu người. Tổng số người tham gia BHYT ở nước ta là hơn 93,6 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Việc tham gia BHYT đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.
Bộ Y tế cho biết thời gian dự kiến trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024.