Chọn khởi nghiệp từ sản phẩm chè Suối Giàng của miền núi Yên Bái, Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng không chỉ hỗ trợ tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức của hàng trăm người dân xã Suối Giàng với hơn 97% là đồng bào dân tộc người Mông, mà còn vinh dự được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu chè quốc gia, làm ra sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.
NỤ CHÈ KẾT TỤ TINH HOA
Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm trên độ cao gần 1.400m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đây là vùng đất nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt là cây chè trên 400 năm tuổi, được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Kết tụ tinh hoa từ đất trời, chè cổ thụ Suối Giàng là một món quà thơm thảo quý giá mà thiên nhiên trao tặng cho Yên Bái. Tuy nhiên, giống như nhiều loại nông sản miền núi khác, chè Suối Giàng cũng từng phải đối diện với khó khăn đầu ra và giá trị không tương xứng.
Nặng lòng với nghiệp chè, sau 18 năm tu nghiệp về Marketing và kỹ thuật sản suất, chế biến chè ở nhiều nước trên thế giới, năm 2017, anh Đào Đức Hiếu đã gác công việc làm giảng viên khoa Marketing trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), lên xã Suối Giàng để cùng với chính quyền và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái thành lập HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng. Mô hình Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng ra đời với mục tiêu gắn kết các hộ đồng bào Mông, bảo tồn phát triển Chè Shan tuyết cổ thụ cũng như bảo tồn văn hóa bản địa kết hợp sản xuất kinh doanh chè với phát triển du lịch.
Chia sẻ về lý do lựa chọn Suối Giàng để dừng chân sau cả một hành trình rất dài về các vùng chè, anh Đào Đức Hiếu chia sẻ, thế giới có một bản đồ chè được người Anh đã vẽ cách đây hơn 300 năm và trên bản đồ có ba màu: màu vàng là những vùng đất không có chè, màu cam là những vùng đất có chè trung du, tức là những chè vùng thấp, và có một màu rất đặc biệt là màu nâu thể hiện là vùng đất có chè cổ thụ.
“Việt Nam đã được định vị trên bản đồ chè thế giới với nhiều vùng chè cổ thụ. Trong các vùng chè cổ thụ, Việt Nam có hơn 10 vùng chè và tôi chọn Suối Giàng là điểm dừng chân bởi vì Suối Giàng được mệnh danh là thủy tổ của chè cổ thụ trên thế giới. Đến nơi đây, tôi sẽ có cơ hội để giúp chè Việt được công bố và so sánh với thế giới bằng những cây chè đang sinh trưởng, được thu hái và chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh” – anh Đào Đức Hiếu nói.
Lý do thứ hai, đây là vùng đất đang thuộc diện đặc biệt khó khăn. Một đỉnh núi nghèo có hơn 5.000 người sinh sống, và họ sống rất yên bình, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó, người đứng đầu HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đó, phải giúp người dân thoát nghèo từ chính đặc sản địa phương, từ tiềm năng của bản địa – thứ mà nhiều nơi mệnh danh là “vàng xanh” nhưng nay vẫn chưa khai thác được hết những tiềm năng và giá trị.
Để có được những thành quả như hôm nay không phải dễ dàng. Anh Hiếu kể, trước đó anh đã tìm hiểu và biết phong tục tập quán của đồng bào người Mông ở Suối Giàng là sản xuất theo lối truyền thống, buôn bán tự do ngoài chợ nên giá trị không cao. Từ đó, anh đã hướng dẫn thành viên và người dân sản xuất theo chiều sâu; hỗ trợ thành viên và người dân vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, hỗ trợ phân bón hữu cơ, đồng thời đầu tư hệ thống đường giao thông để người dân yên tâm trồng chè và thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Ngoài đẩy mạnh áp dụng biện pháp kỹ thuật, HTX chú trọng vào khâu sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ.
Năm 2012, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng khang trang, đầu tư thiết bị hiện đại với công suất sản xuất lên 2.000 kg/chè búp tươi/ngày. HTX còn liên kết với một số chuyên gia trong ngành chè cùng đào tạo thành viên, người lao động theo phương pháp cầm tay chỉ việc và đưa thành viên, người lao động đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số nhà máy chè các tỉnh bạn. Nhờ đó, HTX đã là một trong những đơn vị có đội ngũ lao động lành nghề trong sản xuất chế biến chè của tỉnh.
Năm 2013, sản phẩm chè Suối Giàng do HTX sản xuất đã được cấp nhãn hiệu “Chè Suối Giàng”. Đây là nền tảng vững chắc để người dân chung tay cùng HTX phát triển chè tập trung theo hướng hữu cơ, đưa cây chè thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đến nay, HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Giá bán chè tùy thuộc theo loại, dao động từ 250 đến 650 nghìn đồng/kg và cao nhất là hơn 3 triệu đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với các hộ thành viên.
Năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được thẩm định đánh giá chấm điểm xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm OCOP “chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”. Theo đó sản phẩm được chấm điểm theo 3 nhóm của Bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm OCOP gồm: Sản phẩm và sức mạnh của cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Trong đó đánh giá sâu về nguồn gốc, giá trị, quy trình sản xuất và hình thức chất lượng sản phẩm.
Ngày 29/11/2019, Hội đồng Thẩm định OCOP Yên Bái đã đánh giá sản phẩm “Tuyết Sơn Trà” của HTX Suối Giàng xếp hạng 4 sao. Đây không chỉ là tin vui của HTX Suối Giàng và những người sản xuất ra sản phẩm “Tuyết Sơn Trà”, mà còn khẳng định chất lượng, thương hiệu “Tuyết Sơn Trà” của tỉnh Yên Bái và là niềm tự hào của người dân đất Việt.
Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới. Xu hướng của thế giới là hữu cơ, là sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh nên sản phẩm chè Suối Giàng đã đáp ứng tốt các yêu cầu này.
Không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức của hàng trăm người dân xã Suối Giàng với hơn 97% là đồng bào dân tộc người Mông sinh sống, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… và lãnh đạo các bộ, ngành. Đặc biệt, HTX còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu chè quốc gia, làm sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, sánh ngang với thương hiệu “trà đạo” của Nhật Bản.
“Đây không chỉ là niềm vui của người dân và HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng như những người sản xuất ra sản phẩm chè Suối Giàng, mà còn khẳng định về chất lượng, thương hiệu chè của tỉnh Yên Bái và là niềm tự hào của người dân Việt” – Giám đốc Đào Đức Hiếu chia sẻ.
Nhưng nếu chỉ ở trên đỉnh núi thì không đủ, nên Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng lại tìm cách để đưa chè “xuống núi” và bước ra thế giới. Điểm thuận lợi của HTX là đã được Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành trao sứ mệnh để có thể trở thành một thương hiệu quốc gia.
Đối với huyện Văn Chấn, các lãnh đạo huyện lúc nào cũng tự hào về việc huyện Văn Chấn có chè cổ thụ. Đến tấm biển quảng cáo Welcome to Văn Chấn cũng phải dùng hình ảnh chè cổ thụ như một biểu trưng của địa phương. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái rất ủng hộ sử dụng sản phẩm chè Suối Giàng làm quà tặng đối ngoại, tổ chức tiệc văn hóa chè, tổ chức lễ hội để hỗ trợ quảng bá tiếp thị cho sản phẩm.
“Trước khi trở thành thương hiệu quốc gia – là quốc bảo, thì chúng tôi xác định chè Suối Giàng phải là “tỉnh bảo, huyện bảo, xã bảo, dân bảo”, tức là sản phẩm quý giá từ trong dân. Hiện tại chè Suối Giàng đã chinh phục được nhiều khách sạn 5 sao ở Hà Nội, được bán ở sân bay và đã có mặt ở Văn phòng Chủ tịch nước. Đây là những nỗ lực của không chỉ cá nhân mà còn của cả một tập thể, của bà con trên đỉnh núi đã nỗ lực mỗi ngày” – anh Đào Đức Hiếu chia sẻ.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ VĂN HÓA CHÈ
Đồng hành với câu chuyện đưa chè Việt vươn tầm thế giới, HTXhệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn triển khai những lớp học miễn phí cho trẻ em để những câu chuyện về sản phẩm thấm dần vào những đứa trẻ vùng cao từ khi còn thơ bé. Từ đó, chè sẽ không đơn thuần chỉ là một sản phẩm để thương mại mà nó còn là câu chuyện của văn hóa. Trẻ em ở trên đỉnh núi được học về chè, hiểu về chè và biết được thế mạnh và văn hoá của vùng đất nơi mình sinh ra và trưởng thành.
“Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình”, anh Hiếu nói.
Cứ như vậy, câu chuyện được kéo dài từ chuyện búp chè, giờ có thêm cả du lịch. Nhiều người đến Suối Giàng để chiêm ngưỡng cây chè cổ thụ, để săn mây và thậm chí chữa lành. Bà con Suối Giàng vừa làm chè, vừa mở cửa đón du khách, ấy cũng là lúc sản phẩm được biết đến nhiều hơn. Bà con có thu nhập nên không còn phải rời bỏ mảnh đất họ sinh sống để đi làm việc khác. Họ có thể có sinh kế ở tại nơi họ sinh ra và lớn lên. Đây là những thứ anh Hiếu đang nỗ lực và khát vọng mỗi ngày.
Chưa kể, đồng bào người Mông gọi chè là “sùa yê”, tức là cây thuốc. Bởi vì đau bụng họ cũng uống chè, đau đầu họ cũng uống chè, sốt họ cũng uống chè, mệt mỏi họ uống chè. Đây là một cái loại thuốc tự nhiên đã gắn bó bao đời với người dân miền núi và được đưa ra thị trường cho người dân cùng thưởng thức.
“Khi một sản phẩm nông nghiệp đồng hành với câu chuyện về du lịch, văn hóa và sức khoẻ, tôi nghĩ rằng là đây là cơ hội cho sản phẩm để không chỉ đơn thuần là tiêu thụ bằng những kênh thương mại vào hệ thống siêu thị, bán hàng trực tuyến mà còn tiêu thụ bằng chính câu chuyện văn hóa của mình” – anh Hiếu bộc bạch.
ƯỚC MƠ VƯƠN TẦM THẾ GIỚI
Dù đã có được những thành công bước đầu, song anh Đào Đức Hiếu vẫn trăn trở, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè với hơn 200.000 tấn/năm, nhưng giá chè đang rất rẻ so với thế giới. Do đó, cần được có một chiến lược quốc gia về chè, để cho chè Việt có một vị thế mới, không phải là chỉ xuất đi trong hình hài những thùng carton, túi nilon, không phải là đóng hàng tấn mà phải đóng bằng gam trong những bao bì mang đậm nét văn hoá dân tộc.
Ở thị trường trong nước, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng không giấu ước mơ nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp phân phối để đưa sản phẩm của bà con được người tiêu dùng nội địa biết đến như một sản phẩm của văn hoá Mông, văn hoá Yên Bái. “Trước khi đưa được sản phẩm ra thế giới thì tôi mong muốn lan tỏa câu chuyện về sản phẩm chè cổ thụ trên đỉnh núi ngay trong đất nước và người dân nước mình” – anh Đào Đức Hiếu mong muốn.
Hay là câu chuyện về một hộp chè được chọn làm quà tặng đặc biệt cho các lãnh đạo Chính phủ đi ra thế giới thì bản thân hộp chè đó phải kể được câu chuyện về văn hóa của quốc gia mình, câu chuyện về chè của quốc gia mình. Bởi vì những cây chè cổ thụ vẫn đang tồn tại sừng sững giữa đất trời, được gọi là những cây bất tử trên những đỉnh núi cao, ngày đêm ghi dấu dòng chảy muôn đời của câu chuyện văn hoá.
Theo Cổng TTĐT tỉnh