Yên Bái: “Mở đường” cho đặc sản thành hàng hóa

Sản phẩm đặc sản chứa đựng tiềm năng thương mại to lớn. Đặc biệt, trong xu thế tiêu dùng hướng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, mang bản sắc văn hóa vùng miền thì cơ hội để cho đặc sản trở thành hàng hóa càng rộng mở hơn bao giờ hết.

Người dân huyện Văn Chấn trao đổi kỹ thuật thu hái chè Shan hữu cơ.

Yên Bái với nhiều địa hình, tiểu vùng khí hậu, nhiều dân tộc anh em sinh sống là môi trường lý tưởng tạo nên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa. Sự đa dạng đó đã tạo ra nhiều đặc sản – những sản phẩm không chỉ phản ánh sự độc đáo của vùng đất mà còn kết tinh sự độc đáo của văn hóa, của con người nơi đây.

Về cây đặc sản có sơn tra, quế, cam sành, bưởi Đại Minh, các loài dược liệu, các giống lúa…; vật nuôi có vịt bầu Lâm Thượng, gà đen, lợn bản, ba ba gai… đều đã vang danh từ lâu. Những năm gần đây, khi giao thông và đặc biệt là du lịch phát triển, các sản phẩm đặc sản nói trên càng có cơ hội tốt để tiến sâu vào thị trường.

Do đó, sản phẩm đặc sản cần thực sự trở thành hàng hóa, cần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân từ quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ thành liên kết chuỗi, tập trung, ổn định về sản lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường người tiêu dùng.

Nhiều năm nay, tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư, từng bước để dần biến những sản phẩm đặc sản địa phương thành hàng hóa. Gạo nếp Tú Lệ ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là một ví dụ điển hình.

Nhận thấy giá trị và tiềm năng thương mại của đặc sản này, liên tục nhiều năm, địa phương và các ngành chuyên môn đã có những đầu tư thích hợp cho nó. Theo đó, huyện Văn Chấn đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định tưới tiêu cho vùng sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất tập trung 100 ha; thúc đẩy, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với quy mô diện tích 50 ha.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện phục tráng, tạo nguồn giống tốt, nguyên chủng để phát triển sản xuất; đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh theo hướng an toàn. Ngành khoa học và công nghệ chủ động xây dựng thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể…

Ông Hoàng Văn Soàn – Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ chia sẻ: “Bà con nông dân đã được cung cấp các kiến thức để thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ, phân tán sang sản xuất theo quy mô tập trung, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Đến nay, những vùng lúa nếp hàng hóa được hình thành với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm có nhãn mác, lô-gô, đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận tích cực và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu”.

Tương tự, để phát triển vùng bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình), từ tỉnh đến cơ sở cũng đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về tuyển cây đầu dòng, nhân giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thụ phấn chéo, khai thác và bảo tồn nguồn gen…

Đây chính là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích vùng bưởi hàng hóa rộng cả nghìn héc-ta như hiện nay. Ngoài ra, địa phương cũng đã tổ chức Lễ hội bưởi Đại Minh gắn với khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà với nhiều hoạt động đặc sắc để quảng bá, tôn vinh vùng bưởi quý. Các sản phẩm đặc sản khác, dù ít hay nhiều, cũng được quan tâm phát triển trên các phương diện.

Nhiều sản phẩm đặc sản còn được chuẩn hóa thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đặc biệt, phần lớn các sản phẩm đặc sản của tỉnh đã xây dựng được thương hiệu thông qua việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý…

Có thể thấy, ở những giai đoạn trước, tỉnh chủ yếu tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực; các sản phẩm đặc sản mới chỉ ở mức khai thác tiềm năng. Phải đến giai đoạn 2021 – 2025, các sản phẩm đặc sản mới thực sự được quan tâm, có những định hướng, hỗ trợ nhằm phát triển nhanh về quy mô, sản lượng, chất lượng gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tỉnh cũng đã xác định 10 sản phẩm nằm trong nhóm sản phẩm đặc sản. Là một trong 10 sản phẩm này, sơn tra đang có những định hướng phát triển phù hợp. Từ Đề án phát triển sơn tra, toàn tỉnh đã mở rộng diện tích lên 9.369 ha, tăng 5.546 ha so với năm 2015.

Ông Sùng A Chua – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 6.000 ha sơn tra; trong đó, hơn 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Hiện, mới có Công ty TNHH Sản xuất y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia ở huyện Văn Chấn tiêu thụ khoảng 500 tấn. Số lượng còn lại chủ yếu là tự tiêu thụ. Huyện rất mong muốn và sẽ tích cực ủng hộ, tạo điều kiện để có thêm các đơn vị, công ty thu mua, đặc biệt là các cơ sở chế biến quy mô lớn, bao tiêu ổn định cho bà con”.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ xuân – OCOP, đặc sản các vùng miền năm 2023.

Bởi vậy, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh chú trọng khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Để thực hiện, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sơn tra liên kết theo chuỗi giá trị nhằm hỗ trợ cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ sơn tra trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ về chi phí tư vấn rà soát xác định vùng, quy mô đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết; vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu và mua tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng mức hỗ trợ không quá 2,3 tỷ đồng/dự án.

Các sản phẩm đặc sản khác cũng đang được tỉnh cùng các địa phương xây dựng, ban hành các đề án, chính sách hỗ trợ: huyện Mù Cang Chải ban hành Đề án phát triển cây dược liệu; huyện Văn Chấn ban hành Đề án nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm chủ lực của huyện gồm: chè, cam, quế, gạo nếp Tú Lệ… với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn, trang bị kiến thức, tư vấn, xây dựng các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)…

Đặc biệt, Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh ngày 16/12/2020 cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản này theo hướng khuyến khích hộ gia đình mở rộng quy mô, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào phát triển sản phẩm đặc sản theo liên kết chuỗi giá trị.

Nhờ đó, đến nay, các vùng đặc sản đang phát triển cả về số lượng và chất lượng như: vịt bầu Lâm Thượng đạt 122.700 con, gà đen vùng cao đạt 151.000 con, lợn bản địa đạt 92.000 con, vùng cây dược liệu đạt 4.000 ha, vùng chè Shan hữu cơ đạt 1.200 ha, sản lượng đạt 2.000 tấn; vùng bưởi Đại Minh đạt 1.000 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn…

Để sản phẩm đặc sản thực sự phát triển, cản trở lớn nhất hiện nay chính là hình thức tổ chức sản xuất. Phần lớn các sản vật nói trên đang là sản phẩm của kinh tế hộ. Bởi vậy, để hiện thực hóa định hướng này rất cần vai trò của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Họ sẽ là người xây dựng các cơ sở chế biến, vừa tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu vừa tổ chức thu mua sản phẩm cho nông dân.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 682527
  • Truy cập hôm nay: 823
  • Đang trực tuyến: 5