Yên Bái: Giải pháp nào cho tăng trưởng kinh tế sau bão?

Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, hạ tầng kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Những thiệt hại do bão đặt ra thách thức rất lớn về tốc độ tăng trưởng trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, việc tìm ra các giải pháp khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Công nhân Công ty cổ phần An Tiến Industries (Tập đoàn An Phát Holdings) Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái trở lại làm việc sau bão lũ.

Hơn 3/4 chặng đường năm 2024 đi qua trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn song với sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo của các cấp chính quyền, sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp và người dân tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển ổn định với nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo ghi nhận, đến hết tháng 8/2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng của Yên Bái tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,7%; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 11,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,3%; số lượt khách du lịch ước tăng 24,7%; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước tăng 28,5%; thu ngân sách ước tăng 15,7%…

Những con số này cho thấy, mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) cả năm đạt 7,7% là rất khả thi. Tuy nhiên, cơn bão lịch sử vừa đi qua đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Với nỗ lực, quyết tâm và chủ động ứng phó bão, mưa lũ của cả hệ thống chính trị, cả xã hội, chúng ta đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đang nhanh chóng khắc phục hậu quả, khẩn trương ổn định cuộc sống của người dân và khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tàn dư sau bão để lại trên địa bàn tỉnh Yên Bái là vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, tinh thần của người dân mà sự tàn phá khốc liệt của mưa lũ, sạt lở đã tác động nặng nề đến nền kinh tế.

Theo thống kê đến nay, bão số 3 gây thiệt hại 27.331 nhà, trên 7.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng thiệt hại; 336.325 con gia súc, gia cầm bị chết. Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh trắng tay, thu nhập giảm sút. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ước tính, giá trị thiệt hại về kinh tế lên trên 5.700 tỷ đồng và vượt cả tổng thu ngân sách của tỉnh năm ngoái (4.100 tỷ đồng). Do vậy, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 7,7% là rất nặng nề.

Vì vậy, việc đưa ra giải pháp khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Sau những thiệt hại do mưa bão, một lần nữa giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công lại được nhắc tới.

Theo tính toán, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058% và khi giải ngân được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao cũng như dồn sức quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ thực hiện với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”.

Những lô hàng đầu tiên xuất xưởng sau mưa lũ của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Kim Gia, Khu công nghiệp phía Nam.

Bên cạnh đầu tư công để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh và làm mới 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Vì vậy, các sở ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Yên Bái; trong đó, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Bên cạnh đẩy mạnh thu hút đầu tư cần tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục mưa lũ đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cùng với đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, Yên Bái cần có thêm chính sách đặc thù hỗ trợ nông dân sau bão số 3 để nông dân sớm khôi phục ruộng đồng đẩy mạnh sản xuất; đồng thời, tiếp tục khai thác tốt các cây trồng được coi là thế mạnh của tỉnh Yên Bái như: quế, chè, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 với 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Tuy nhiên, các nguồn lực, chính sách và giải pháp thực hiện phải được các sở, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai kịp thời, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân sớm phục hồi, tái thiết sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra.

Bão lịch sử đã qua, hậu quả hết sức nặng nề nhưng đây cũng là cơ hội để các địa phương cải cách và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền cùng sự chung sức đồng lòng của người dân Yên Bái hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn để duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 649268
  • Truy cập hôm nay: 161
  • Đang trực tuyến: 1