Lãi suất liên tục tăng giảm, người dân và doanh nghiệp “chóng mặt”

Lãi suất ngân hàng liên tục biến động không phải là điều người dân và doanh nghiệp mong muốn.

Lãi suất hợp lý và giữ mặt bằng ổn định là điều mà DN nào cũng mong muốn.

Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động tiền gửi, rồi lại đồng loạt giảm lãi khiến anh Nguyễn Văn Biên – một thợ sơn tường ở thành phố Lào Cai không khỏi đau đầu để tìm địa chỉ gửi tiền cho phù hợp. Nhưng theo anh, đó là tình thế bất đắc dĩ, còn chỉ mong lãi suất ổn định để mục tiêu an cư lạc nghiệp của mình sớm thành hiện thực.

“Làm việc cả năm tôi mới tích lũy được vài chục triệu đồng gửi tiết kiệm để xây nhà, hoặc chưa có nhà sẽ dành ra để mua đất, nhưng 5 năm sau với chừng đấy tiền mang đi mua đất hay xây nhà đều không được. Là người dân chúng tôi chỉ mong muốn làm sao lãi suất ổn định để yên tâm rằng đồng tiền không bị mất giá”, anh Biên nêu ý kiến.

Đó là câu chuyện đi gửi, còn với những người đi vay như bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Nghĩa Anh, để có vốn kinh doanh, các DN phải thế chấp tài sản nên chịu sự ràng buộc chặt chẽ, khó có chuyện đứng núi này trông núi nọ. Do đó, làm sao điều chỉnh lãi suất hợp lý và giữ mặt bằng ổn định là điều mà DN nào cũng mong muốn.

“DN vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp với lãi suất vẫn cao, ở mức 9%/năm, trong khi các đơn vị khác chỉ 7,8 – 8%/năm. Điều các DN chúng tôi quan tâm là phải có mặt bằng lãi suất chung, cao cùng cao, thấp cùng thấp để có sự cạnh tranh công bằng, nếu cứ như hiện nay sẽ rất khó khăn cho việc vay vốn”, bà Nguyệt lo lắng.

Theo ông Đỗ Quang Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có 18 Chi nhánh ngân hàng thương mại đang hoạt động, việc điều chỉnh hạ lãi suất đã bắt đầu được áp dụng nhưng do không phải trụ sở chính nên đều theo hệ thống của mỗi đơn vị. Ngay từ đầu năm, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng đã quán triệt các chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, 36, 28 và yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

“Ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện, họ huy động về 100 tỷ nhưng không phải sử dụng được 100 tỷ để cho vay hết, phải bảo đảm tỷ lệ an toàn, phải trích quỹ dự phòng nên mỗi ngân hàng sẽ có giải pháp khác nhau, phải tính toán thật cẩn thận. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh có trách nhiệm giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, giữ cho sự cạnh tranh lành mạnh, ngân hàng nào giảm lãi được càng nhiều để giúp cho khách hàng, DN đều được khuyến khích”, ông Huy giải thích.

Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp mới được Lào Cai tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua, đại diện các bên cũng đã trao đổi và thống nhất cách thức để nâng cao hiệu quả kết nối. Mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN để phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như tam nông, sản xuất hàng xuất khẩu, sản phẩm công nghệ cao, DN khởi nghiệp…, góp phần thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650093
  • Truy cập hôm nay: 517
  • Đang trực tuyến: 4