Triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất, đồng thời xây dựng thói quen mua sắm của người dân về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Đề án), Sở Công Thương Yên Bái đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025” đồng thời nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh chỉ đạo, theo dõi, giám sát và kiểm tra đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động). Cùng với đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân như chuyên mục, phóng sự, tin, bài, băng rôn, khẩu hiệu, hội chợ triển lãm, hội nghị tuyên truyền; clip tuyên truyền quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh…
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 96 chợ phân bố rộng khắp trên địa bàn. Tỉ lệ hàng Việt tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lên đến 70-80%, đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đó, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiết lập và nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động bình ổn thị trường, chương trình kích cầu tiêu dùng và các hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng…
Ngành Công Thương đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tại địa phương tiếp cận được hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý. Phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin dùng tại thành phố Hòa Bình nhằm góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa người sản xuất với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, các chương trình hàng Việt Nam nhằm kích cầu người tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt từ nông thôn ra thành thị thông qua việc hỗ trợ cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, đưa các sản phẩm, hàng hóa sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh tiêu thụ tại các kênh phân phối trong nước.
Giai đoạn 2021-2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ, xây dựng 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức các tuần hàng giới thiệu sản phẩm nông thuỷ sản, đặc sản, sản phẩm OCOP tại Big C Thăng Long Hà Nội, qua đó đã tiếp tục giới thiệu và hỗ trợ đưa được 06 sản phẩm (măng rối khô, măng mầm khô, khoai Trạm Tấu, xúc xích cá lăng Thác Bà, chả cá lăng Thác Bà, ruốc cá lăng Thác Bà) tiêu thụ tại siêu thị Big C Hà Nội, nâng số lượng sản phẩm đã được tiêu thụ tại siêu thị Big C là 16 sản phẩm. Hỗ trợ kết nối đưa một số sản phẩm OCOP của tỉnh (măng nứa khô, chè bát tiên Minh Bảo, miến đao, mộc nhĩ khô Minh Bảo …) quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên các chuyến tàu Bắc Nam của Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Sở Công Thương đã triển khai tổ chức các hội chợ OCOP, xác nhận cho các đơn vị tổ chức hội trợ, triển lãm thương mại bán sản phẩm hàng hóa, sản phẩm Việt Nam để đưa sản phẩm cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh. Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong những năm qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sở cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2021-2023 đã triển khai 02 gian hàng hướng dẫn phân biệt hàng thật – hàng giả để cảnh báo đến người tiêu dùng, nâng cao cảnh giác, ý thức để bảo vệ quyền lợi cho chính mình và người thân…
Đối với hoạt động hội chợ, triển lãm hàng Việt, Sở Công Thương đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định, ban hành các Quyết định về công bố danh mục địa điểm tổ chức Hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức Hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng năm.
Hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường được tỉnh tập trung đẩy mạnh triển khai. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua các hệ thống bán lẻ, qua các hình thức truyền thống kết hợp với thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh việc lồng ghép bán hàng Việt trong các hội nghị kết nối cung cầu, trưng bày giới thiệu sản phẩm, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, quảng bá giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, lợi thế của địa phương đến tay người tiêu dùng trong nước. Tổ chức đoàn công tác tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tổ chức hằng năm; Mời các doanh nghiệp Hội chợ Kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Các Hội chợ quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) – Quảng Trị; Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai; Hội chợ Công Thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang; Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam VIETNAM EXPO hàng năm; Tham gia Lễ hội trái cây tại Hà Nội; Hội chợ Quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lạng Sơn…
Sở Công Thương đã hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử của Sở, các sàn thương mại điện tử như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sàn Postmart.vn; Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel sàn voso.vn; Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ – thuộc Tập đoàn FPT sendo.vn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được thực hiệu quả. Hỗ trợ đăng tải thông tin 238 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn Thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 238 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, các hội nghị kết nối cung cầu; triển khai hoàn thành kế hoạch tư vấn, hỗ trợ 327 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử.
Để Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy được hiệu quả cao, có sức lan tỏa, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin thị trường; cung cấp thông tin các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập, nhất là các loại sản phẩm, hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt thiết yếu của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; thu hút, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tổ chức các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp, nắm tình hình và kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Theo Cổng TTĐT tỉnh