Yên Bái khởi sắc kinh tế tập thể

Cùng với các thành phần kinh tế khác, trong vài năm trở lại đây, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng đến chất lượng, tạo đà vững chắc cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kinh tế hợp tác là thành phần kinh tế quan trọng, không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân, đã và đang tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

rưng cất tinh dầu quế tại HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca.
Yên Bái là tỉnh phần lớn đời sống nhân dân dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp, do đó trong những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển KTTT, nhất là kinh tế HTX. Mới đây nhất là Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND về củng cố, phát triển HTX, tổ hợp tác giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2030, bên cạnh đó còn có nhiều đề án, cơ chế chính sách cụ thể thúc đẩy HTX… 
 
Nhờ vậy, KTTT, HTX trên địa bàn phát triển mạnh từ số lượng HTX, tổ hợp tác đến chất lượng và phát triển đa dạng về ngành nghề,  lĩnh vực. 
 
Các HTX hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào phát triển, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên và là bà đỡ cho hộ dân nông thôn. HTX còn tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và các thành viên với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản. KTTT, HTX đã thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
 
Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh phấn khởi cho biết: “Ngoài các chủ trương, chính sách đã ban hành, Yên Bái khuyến khích phát triển KTTT, HTX nhanh, bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, góp phần hình thành chuỗi giá trị gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. HTX đã huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần quan trọng vào nền kinh tế địa phương”. 
 
Bằng sự năng động, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 632 HTX với 30.727 thành viên tham gia. Chỉ tính riêng riêng 9 tháng năm 2022, đã thành lập mới 66 HTX đạt 82,5%. 
 
Tổng vốn điều lệ HTX trên 1.412 tỷ đồng, doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 1.470 triệu đồng, lãi bình quân 316 triệu đồng. Các HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động, với thu nhập bình quân đạt 4,86 triệu đồng/người/tháng. 
 
Bình quân mỗi năm các HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 30,6 tỷ đồng. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà nhiều HTX đã chủ động, tích cực cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững… Những con số trên là minh chứng rõ nét cho thấy khu vực KTTT, nhất là các HTX đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phát triển đồng đều từ vùng thấp đến vùng cao. 
 
Các HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ. HTX trên địa bàn hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều vào nông, lâm, ngư nghiệp với 379 HTX, chiếm trên 60% số HTX. 
 
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với rủi ro cao, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thời tiết, đến dịch bệnh, thị trường, đặc biệt là chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, nhưng các HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch và có các biện pháp, giải pháp cụ thể, linh hoạt từ điều hành đến sản xuất, gặt hái được những kết quả tốt. 
 
Nhiều HTX biết áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất và đầu tư xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm… Tiêu biểu như HTX chăn nuôi MQ (Trấn Yên), HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An (Yên Bình), HTX sản xuất kinh doanh Miến dong Giới Phiên (thành phố Yên Bái)… 
 
Đặc biệt, các tổ hợp tác đã phát huy được vai trò tích cực, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, tạo mối liên kết, hợp tác giữa những cơ sở sản xuất nhỏ với nhau khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất tự sản, tự tiêu. 
 
Tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong nền kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Yên Bái chú trọng huy động nguồn lực, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác; đa dạng và hình thành nhiều hơn các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng nông thôn mới bền vững; bảo đảm hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia, xây dựng Yên Bái theo hướng phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: